Tại sao trẻ sơ sinh hay khịt mũi?

Trả lời:

Cha mẹ hay lo lắng con mình có vấn đề về đường hô hấp trên do mũi thường khụt khịt ngay từ lúc mới sinh. Thực tế tình trạng này không hiếm gặp ở trẻ sơ sinh.

Trong những tháng đầu đời, các hệ cơ quan của trẻ đều non nớt. Hệ thống đường hô hấp trên, đặc biệt là mũi của trẻ sơ sinh nhỏ, đường kính bên trong mũi hẹp chỉ 2-3 mm mỗi bên. Niêm mạc mũi bé có chức năng sản xuất ra chất nhầy nhưng khoang mũi hẹp làm chất nhầy tập trung lại, đầy ống mũi tạo ra tiếng khụt khịt khi trẻ thở. Đây có thể là những biểu hiện bình thường và không cần can thiệp.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần theo dõi tình trạng của trẻ để đánh giá chính xác. Trẻ khỏe mạnh, bú tốt, ngủ tốt, không ho, không sốt thì có thể xác định đây là hiện tượng bình thường, không cần khám. Nhưng nếu trẻ khụt khịt kèm thở nhanh, bú khó hoặc kèm ho, quấy khóc, sốt, hạ thân nhiệt... phụ huynh cần đưa con tới các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra và tư vấn.

Do mũi trẻ sơ sinh rất nhỏ nên hay gặp tình trạng khụt khịt mũi. Ảnh minh họa: Phương Linh

Do mũi trẻ sơ sinh rất nhỏ nên hay gặp tình trạng khụt khịt mũi. Ảnh minh họa: Phương Linh

Cha mẹ nghe thấy âm thanh hơi khó nghe, thi thoảng kèm theo trẻ ho, hắt xì hơi vài cái, trẻ hay quấy khóc... để yên tâm cũng nên đưa trẻ tới cơ sở y tế khám.

Ở miền Bắc, nhất là vào mùa đông, không khí hanh khô cũng là một trong nguyên nhân hay gặp dẫn đến trẻ khụt khịt mũi. Chăm sóc giữ ấm cho trẻ là quan trọng. Khi tắm, đóng cửa phòng tắm lại có thể giúp không khí trẻ thở ấm hơn, giảm tiết chất nhầy, dịch đường hô hấp.

Mũi khụt khịt cũng có thể khiến trẻ khó chịu. Vì vậy, cha mẹ có thể vệ sinh mũi cho con giúp giảm triệu chứng. Cha mẹ dùng khăn mềm nhúng trong nước ấm để lau mũi cho trẻ hoặc nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý (loại nước muối dùng cho trẻ sơ sinh). Massage nhẹ nhàng xung quanh cánh mũi giúp mũi trẻ thông thoáng, giảm triệu chứng khó chịu.

Cha mẹ không lạm dụng nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ tránh tình trạng khô mũi hay tổn thương. Phụ huynh cũng không nên tự ý bơm rửa mũi cho trẻ, bởi vệ sinh không đúng kỹ thuật có thể lượng dịch vào mũi trẻ nhiều gây sặc hoặc viêm tai giữa. Bơm rửa mũi cho trẻ sơ sinh cần được thực hiện bởi nhân viên y tế. Phụ huynh không nên hút mũi trẻ bằng miệng hay tự ý dùng thuốc co mạch, thuốc kháng sinh hoặc nhỏ mũi tùy tiện.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tự
Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp