Tại sao trẻ tăng động nên tập thể dục thường xuyên?

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là chứng rối loạn phát triển thần kinh, ảnh hưởng đến não, thường kéo dài. Tình trạng này chia thành ba loại gồm tăng động, bốc đồng, hiếu động thái quá. Trẻ có thể học tập kém, gặp nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Trẻ mắc ADHD nên tập thể dục vì nhiều lợi ích với sức khỏe.

Kiểm soát bốc đồng

Một trong những dấu hiệu đặc trưng của ADHD là bồn chồn, không yên. Do đó, trẻ thường khó ngồi một chỗ trong khoảng thời gian dài. Hoạt động thể chất giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, giải quyết tình trạng thiếu tập trung. Trẻ tập thể dục đều đặn có thể kích thích cơ thể sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, cụ thể là dopamine và serotonin liên quan đến khả năng chú ý. Ở người mắc ADHD, nồng độ dopamine trong não có xu hướng thấp hơn so với người khỏe mạnh.

Trẻ ADHD nên tập thể dục khoảng 60 phút mỗi ngày ở mức độ vừa phải. Những bộ môn phù hợp gồm đạp xe, bơi lội, đá bóng, khiêu vũ, yoga, đi bộ... Cha mẹ nên theo dõi bé trong quá trình vận động, tránh những tai nạn không đáng có.

Cải thiện lưu lượng máu đến não

Trẻ em mắc ADHD có thể có ít lưu lượng máu đến não so với trẻ khỏe mạnh khác. Điều này khiến bé gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, chậm hoàn thành bài tập về nhà. Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu lên não. Các mạch máu khỏe, lưu lượng máu được tăng cường có thể ngăn chặn nguy cơ suy giảm trí nhớ.

Tăng giao tiếp xã hội

Trẻ em mắc ADHD thường gặp khó khăn vì kỹ năng giao tiếp xã hội kém, hiếu động thái quá hoặc mất tập trung. Nhiều môn thể thao theo nhóm tạo cơ hội cho các bé cùng hoạt động chung để tăng sự kết nối. Tham gia hoạt động thể thao cũng góp phần giúp trẻ tự tin bằng cách phát triển các kỹ năng không liên quan đến học tập.

Nhiều lý do khác

Ngoài việc cải thiện các triệu chứng ADHD, còn có nhiều lý do khác để trẻ nên tập thể dục thường xuyên. Các hoạt động thể chất hỗ trợ duy trì cân nặng khỏe mạnh, giữ huyết áp và mức cholesterol ở mức bình thường, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Thói quen tốt này cũng góp phần cải thiện thể lực, giấc ngủ, sự phát triển tổng thể của trẻ.

Tập thể dục có thể là một phần của kế hoạch điều trị ADHD toàn diện, bao gồm cả thuốc, các liệu pháp khác. Cha mẹ nên đến gặp bác sĩ nhi khoa, tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để có kế hoạch điều trị ADHD cho bé.

Lê Nguyễn (Theo WebMB)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp