Tăng 30 kg trong nửa năm do hội chứng cuồng ăn

Hiện anh Sang nặng 167 kg. Ngày 25/11, BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chứng cuồng ăn xảy ra khi một người không hoặc khó kiểm soát được cảm giác thôi thúc họ ăn nhiều hơn mức bình thường, kéo dài từ ba tháng trở lên.

Anh Sang cho biết bị áp lực công việc nên thường xuyên căng thẳng, lo lắng, thức khuya, muốn ăn như cách giải tỏa. Pizza, gà rán, nước ngọt... là những món ăn phổ biến. Khi tăng cân nhanh, anh cố gắng giảm cân bằng nhiều biện pháp như nhịn ăn sáng, tập luyện, uống giấm nhưng không hiệu quả.

Theo bác sĩ Yến Thủy, hiện y học chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra chứng cuồng ăn. Bệnh có thể do nhiều yếu tố kết hợp như di truyền, rối loạn tâm lý, căng thẳng, trầm cảm, lo âu, thói quen ăn uống không khoa học lâu ngày. Về yếu tố tâm lý, một số người quá nhạy cảm với hình ảnh và mùi vị thức ăn cũng có thể dẫn đến cuồng ăn.

Đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, anh Sang được đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770 và các xét nghiệm cần thiết. Với chỉ số khối cơ thể (BMI) 50,4, bác sĩ Yến Thủy đánh giá anh thuộc nhóm siêu béo phì, lượng mỡ thừa và mỡ nội tạng cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, BMI trên 40 là béo phì mức độ nguy hiểm. Ngoài hội chứng cuồng ăn, anh còn đau lưng, đau khớp, khó thở, di chuyển khó khăn, bác sĩ chẩn đoán suy tim, ngưng thở khi ngủ, thiếu oxy lên não, viêm khớp.

Anh Sang làm thủ tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Anh Sang làm thủ tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Yến Thủy cho biết mỗi tuần, khoa Dinh dưỡng Tiết chế và Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì của bệnh viện tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân thừa cân - béo phì, trong đó khoảng 5% trường hợp có biểu hiện của chứng cuồng ăn. Những người mắc chứng này có thể mắc kèm bệnh lý khác như lo âu, trầm cảm.

Điều trị giảm cân kèm rối loạn ăn uống cần kết hợp đa mô thức, tác động cá nhân, gia đình, thay đổi hành vi, điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng khoa học, dùng thuốc phù hợp. Anh Sang được điều trị ổn định gan nhiễm mỡ độ một, rối loạn lipid máu, suy tim do cơ tim giãn nở, giảm cân.

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì tư vấn dinh dưỡng, xây dựng thực đơn cá thể hóa kết hợp thuốc chuyên dụng. Thuốc điều chỉnh hành vi ăn uống do tăng cảm giác no, làm chậm rỗng dạ dày dẫn tới dạ dày tiêu hóa thức ăn chậm, từ đó giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể. Thuốc còn có tác dụng giảm đường huyết, giảm gan nhiễm mỡ và biến chứng do bệnh xơ vữa mạch máu.

Anh Sang được tư vấn thêm về tâm lý, vận động theo mô hình cá thể hóa với mục tiêu tăng khối cơ, giảm khối mỡ, tăng sức bền. Công nghệ cao giúp tập trung giảm mỡ cục bộ từng vùng cơ thể, duy trì vóc dáng cân đối. Sau ba tháng, anh giảm 12 kg, sức khỏe tiến triển tích cực, tiếp tục lộ trình điều trị để cân nặng và mỡ nội tạng về mức an toàn.

Người bệnh đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770 tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Người bệnh đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770 tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Yến Thủy cho biết trong một số trường hợp cần thiết, người bị béo phì được can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, đặt bóng hoặc nối tá tràng - hỗng tràng để giảm thể tích dạ dày, giảm tiêu hóa hấp thu thức ăn.

Bình An

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp