Thiếu niên bị áp xe phổi

Mỗi cơn đau ngực của Minh thường xuất hiện kéo dài vài phút. Ngày 21/11, ThS.BS Nguyễn Thanh Hiền Trang, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết phổi của bệnh nhi bị áp xe với thành dày khá đều kèm tổn thương kín mờ nhẹ xung quanh. Bé được điều trị nội khoa, theo dõi ở nhà, tái khám sau một tháng.

Ảnh chụp CT cho thấy ổ áp xe trên phổi phải (bên trái hình) của bé Minh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Ảnh chụp CT cho thấy ổ áp xe trên phổi phải (bên trái hình) của bé Minh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng xảy ra khi nhu mô phổi của người bệnh bị hoại tử, lâu ngày hình thành dịch mủ và ổ áp xe chứa mủ. Bệnh thường xảy ra sau tình trạng viêm nhiễm cấp tính như viêm phổi, tắc mạch phổi nhiễm khuẩn...

Có hai loại áp xe phổi là nguyên phát, thứ phát. Bác sĩ Hiền Trang chẩn đoán Minh bị áp xe phổi do các vi khuẩn kỵ khí gây nên. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm hơn 60% ca áp xe phổi.

Người có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, điều trị ung thư, bị dị tật lồng ngực, dị tật phổi bẩm sinh, bại não, bệnh thần kinh, chấn thương lồng ngực... Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tương đối ít gặp ở trẻ em. Hiện chưa có thống kê chính thức về số ca tử vong do áp xe phổi, tuy nhiên đây là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet năm 2021, toàn cầu ước tính có 344 triệu ca nhiễm trùng hô hấp dưới với 2,18 triệu ca tử vong, trong đó trên 100.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây vỡ ổ áp xe, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm mủ màng phổi, viêm mủ màng tim. Áp xe phổi có thể ảnh hưởng đến não gây áp xe não, viêm màng não, tử vong. Phát hiện bệnh sớm như bé Minh, điều trị bằng thuốc kháng sinh uống 6-8 tuần hoặc tiêm truyền tĩnh mạch nếu cần thiết.

Các dấu hiệu áp xe phổi ở trẻ là ho dai dẳng lâu ngày không dứt, sốt cao 39-40 độ C, đau tức ngực, nôn ra máu, mệt mỏi, sụt cân. Khi trẻ có các biểu hiện này, phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ khám. Trường hợp ổ áp xe phổi lớn, bệnh nhân ho ra máu, cần can thiệp ngoại khoa. Nếu nghi ngờ ổ áp xe liên quan u phổi, bác sĩ sinh thiết để chẩn đoán.

Đình Lâm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp