Thoái hóa khớp gối do thừa cân 10 năm

Bà Liên cao 1,61 m, nặng 71 kg, BMI 27, được chẩn đoán béo phì độ một hơn 10 năm, thường xuyên đau nhức khớp gối, thử nhiều cách giảm cân như ăn kiêng, nhịn ăn nhưng bất thành. Khi nghỉ hưu, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị béo phì nhằm giảm đau xương khớp, kiểm soát bệnh nền.

Ngày 9/12, TS.BS Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết bà Liên tăng cân có liên quan đến thay đổi hormone hoặc tốc độ chuyển hóa do tuổi tác. "Thừa cân 10 năm là nguyên nhân dẫn tới thoái hóa khớp gối, gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu", bác sĩ Hoàng nói, giải thích thêm mỡ thừa làm xuất hiện gai xương quanh khớp, tăng áp lực lên xương, sụn, khớp, dây chằng gây đau khi vận động, nguy cơ thoái hóa khớp, viêm khớp... Nếu không điều trị, người bệnh có nguy cơ thay khớp gối nhân tạo do thoái hóa khớp tiến triển. Nếu giảm 4-7 kg, tức 5-10% trọng lượng cơ thể, tình trạng đau khớp gối sẽ cải thiện.

Bác sĩ kê thuốc ức chế cảm giác thèm ăn, làm chậm rỗng dạ dày giúp người bệnh no lâu, giảm hấp thu và tăng đào thải mỡ ở đường tiêu hóa... Bác sĩ cũng hướng dẫn người bệnh các bài tập trị liệu đơn giản, chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe, ít năng lượng để no lâu.

Chuyên viên y học vận động hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho bà Liên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chuyên viên y học vận động hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho bà Liên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sau một tháng, bà giảm 4 kg, bớt đau đầu gối, đi lại bình thường, không cần người dìu như trước. Bà tiếp tục liệu trình giảm cân về mức lý tưởng 57-63 kg để giảm các nguy cơ sức khỏe do béo phì gây ra.

Bác sĩ Hoàng lưu ý người cao tuổi, người bị chấn thương, vận động viên thể thao... thuộc nhóm có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao. Khớp gối bị thoái hóa không thể phục hồi như cũ. Điều trị thoái hóa khớp gối chủ yếu giúp giảm đau, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, phục hồi chức năng vận động khớp gối, hạn chế và ngăn khớp biến dạng. Giảm cân góp phần làm chậm quá trình tiến triển của thoái hóa khớp. Các trường hợp nặng người bệnh có thể cần châm cứu, tiêm nội khớp (thuốc giảm viêm), thay khớp gối nhân tạo... Thừa cân, béo phì không chỉ gây thoái hóa khớp mà còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, gan nhiễm mỡ, viêm gan, đột quỵ, ung thư.

Người trưởng thành nên sống lành mạnh, ưu tiên rau xanh. Hạn chế tinh bột, đường, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên. Tăng cường vận động, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc (tùy độ tuổi, trung bình 7,5-8 giờ). Người thừa cân, béo phì nên tới bệnh viện có chuyên khoa giảm cân để được điều trị sớm, phòng biến chứng.

Đinh Tiên

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp