Thủ phạm gây ho

Ho là cách cơ thể phản ứng để ngăn những tác nhân gây hại xâm nhập vào phổi. Tuy nhiên, sau khi nhiễm trùng, cảm lạnh, cúm, hậu nhiễm virus, triệu chứng ho có thể kéo dài. Phần lớn các cơn ho này có thể khỏi sau ba tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp dai dẳng, diễn tiến hơn ba tuần có thể là dấu hiệu của các bệnh phổi. Dưới đây là những nguyên nhân gây ho thường gặp và cách điều trị.

Virus

Triệu chứng: Người bệnh cảm lạnh, cúm thường bị ho, gây cảm giác khó chịu.

Nguyên nhân: Virus gây ho đa phần không quá nghiêm trọng bởi do chất nhầy chảy xuống phía sau cổ họng.

Điều trị: Dùng thuốc kháng sinh điều trị ho do virus không có tác dụng. Người bệnh có thể dùng sirô không kê đơn để làm loãng đờm hoặc dùng thức uống ấm để kích thích tiết dịch trong đường thở, làm dịu kích ứng. Người bị ho kéo dài nên đi khám để bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp.

Ợ nóng

Triệu chứng: Ho sau bữa ăn hoặc thức giấc vào ban đêm, thường kèm theo vị chua khó chịu trong miệng.

Nguyên nhân: Ợ chua hay trào ngược do axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích ứng cổ họng và ho. Ăn nhiều, quá no vào đêm khuya có thể gây ra tình trạng này.

Điều trị: Kê thêm một chiếc gối khi ngủ có thể giảm trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh cũng có thể dùng thuốc chống trào ngược theo hướng dẫn của bác sĩ để khắc phục.

Viêm phế quản

Triệu chứng: Ho có đờm xanh, kèm theo sốt sau khi bị cảm lạnh.

Nguyên nhân: Viêm phế quản cấp tính ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới. Bệnh thường do các loại virus cảm lạnh gây ra, khiến đường hô hấp dễ bị tấn công.

Điều trị: Uống nhiều nước và thuốc giảm sốt. Vì hầu hết viêm phế quản do virus gây ra nên bác sĩ chỉ kê đơn thuốc kháng sinh trong trường hợp nghi ngờ đã xảy ra nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn.

Tác dụng phụ thuốc

Triệu chứng: Ho khan kéo dài, thường nặng hơn vào ban đêm.

Nguyên nhân: Một vài loại thuốc dùng kiểm soát huyết áp cao có thể gây ho mạn tính.

Điều trị: Người bệnh trao đổi với bác sĩ nếu ho nặng hơn sau khi dùng thuốc, có thể thay đổi thuốc theo chỉ định.

Ho do hút thuốc

Triệu chứng: Khản tiếng, thở khò khè, ho có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn hoặc ho ra máu cần đi khám sớm.

Nguyên nhân: Hút thuốc kích thích đường hô hấp, gây ho, về lâu dài có thể là dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) như bệnh khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Nguyên nhân là do đường hô hấp bị tổn thương không thể phục hồi và ngày càng nặng hơn nếu tiếp tục hút thuốc.

Điều trị: Bỏ thuốc lá làm giảm hoặc hết ho trong vòng 4 tuần và ngăn chặn tốc độ tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Vấn đề về tim

Triệu chứng: Ho hoặc thở khò khè dai dẳng, cộng thêm mệt mỏi tột độ, khó thở khi gắng sức và cơ thể giữ nước.

Nguyên nhân: Suy tim khiến chất lỏng có thể tích tụ trong phổi dẫn đến ho kéo dài.

Điều trị: Đo điện tâm đồ và xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc để ngăn ngừa tích tụ chất lỏng và ổn định nhịp tim.

Bảo Bảo (Theo Times of India)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp