Thực đơn giúp bác sĩ giảm 20 kg, đẩy lùi gan nhiễm mỡ

Béo phì và gan nhiễm mỡ là mối lo ngại về sức khỏe. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm mạn tính, gián tiếp gây ung thư. Bác sĩ Ye Wenling, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng, từng tăng cân mất kiểm soát do lối sống không điều độ. Nhận thức được nguy cơ, ông đã giảm 20 kg trong vòng một năm và đẩy lùi gan nhiễm mỡ nặng. Bí quyết của ông là kiểm soát chế độ ăn và chạy bộ.

Trên chương trình sức khỏe "Focus 2.0", bác sĩ Ye chia sẻ ông từng bị gãy xương khi chơi bóng đá, dẫn đến việc không thể duy trì thói quen tập thể dục. Công việc bận rộn, tiệc tùng, rượu bia khiến cân nặng của ông tăng lên đến 90 kg. Kết quả kiểm tra sức khỏe cho thấy vị bác sĩ bị gan nhiễm mỡ nặng, chỉ số viêm gan ALT và AST lên tới 60 U/L (mức bình thường tối đa là 40 U/L).

Nhờ chế độ ăn uống và tập luyện, bác sĩ Ye đã giảm được 20 kg trong 11 tháng. Các chỉ số ALT, AST giảm xuống còn 20 U/L. Ông đã giảm được từ cỡ quần 38 xuống còn 31, thoát khỏi nguy cơ sức khỏe do gan nhiễm mỡ.

Nam bác sĩ cho biết nếu không thay đổi chế độ ăn, việc tập luyện sẽ không hiệu quả trong việc giảm mỡ và mỡ gan. Chất dinh dưỡng quan trọng nhất để giảm cân là protein. Bổ sung đủ protein giúp tăng cảm giác no, giảm lượng carbohydrate, và ngăn ngừa mất cơ.

Ông khuyến nghị, người bình thường nên ăn 0,8 đến 1,2 g protein/kg cân nặng mỗi ngày; người trên 60 tuổi nên ăn 1,5 g để tránh mất cơ và duy trì quá trình giảm cân. Ví dụ, người cao tuổi nặng 60 kg cần 90 g protein mỗi ngày.

Chế độ ăn

Bữa sáng: cà phê đen không đường, 2 quả trứng. Caffeine giúp đốt cháy mỡ thừa, giảm cảm giác thèm ăn. Một cốc cà phê đen không đường và 2 quả trứng là bữa sáng giảm mỡ lý tưởng.

Bữa trưa và bữa tối: hạn chế tinh bột, bổ sung đủ protein. Các món ăn như rau cải xào trứng, ức gà và một ít cơm trắng là bữa ăn giảm cân đầy đủ dinh dưỡng.

Trước đây, bác sĩ Ye rất thích ăn cơm thịt kho, bánh mì phết bơ. Tuy nhiên, ông đã hạn chế những món này. Lượng tinh bột ông ăn rất ít, chủ yếu kết hợp với protein.

Bệnh viện Toshima (Nhật Bản) khuyến nghị nên ăn theo thứ tự: rau, canh, thịt, tinh bột. Thứ tự này giúp tăng cảm giác no, ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến và hạn chế tích tụ mỡ trong gan.

Một cốc cà phê đen không đường và 2 quả trứng là bữa sáng giảm mỡ lý tưởng. Ảnh: Pexels

Một cốc cà phê đen không đường và 2 quả trứng là bữa sáng giảm mỡ lý tưởng. Ảnh: Pexels

Chế độ tập luyện

Bên cạnh chế độ ăn, bác sĩ Ye cũng chú trọng đến việc tập luyện. Tập thể dục thường xuyên giúp tiêu hao calo, ổn định đường huyết, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, giảm mỡ và cải thiện gan nhiễm mỡ. Ông khuyến khích chạy bộ kết hợp đi bộ. Phương pháp này giúp kéo dài thời gian tập luyện, tăng cường hiệu quả giảm mỡ mà không gây quá sức.

Bắt đầu bằng đi bộ nhanh. Khi nhịp tim tăng lên và ổn định, bắt đầu chạy chậm. Khi chạy, nhịp tim sẽ tăng dần, hơi thở gấp. Khi thấy khó thở, quay lại đi bộ.

Bệnh viện Toshima khuyến nghị tập thể dục nhịp điệu 3-4 lần/tuần, mỗi lần 30-60 phút. Nếu không thích chạy bộ, có thể đi bộ hoặc tăng cường vận động bằng cách đi mua sắm, đi làm. 70% lượng carbohydrate trong cơ thể được tiêu thụ bởi cơ bắp, vì vậy tăng cường cơ bắp giúp cải thiện quá trình trao đổi chất. Bác sĩ cũng khuyên nên tập các bài tập như squat để tăng cơ, cải thiện gan nhiễm mỡ.

Mỹ Ý (Theo EDH)