Hai ngày trước ông Đấu đau bụng vùng thượng vị (trên rốn), hạ sườn phải, bụng cứng kèm sốt lạnh run, đi khám và dùng thuốc không bớt. Khi triệu chứng nặng tăng nặng gây khó thở, ông được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu. Kết quả chụp MSCT bụng (chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt) cho thấy ông Đấu có dịch và hơi tự do ở ổ bụng, kèm thâm nhiễm mỡ, tụ dịch xung quanh hang môn vị dạ dày và hành tá tràng.
Ngày 3/12, BS.CKI Nguyễn Công Uẫn, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết ông Đấu bị viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng do thủng dạ dày. Viêm loét dạ dày lâu ngày có thể gây biến chứng thủng dạ dày ngay tại ổ viêm loét, dẫn đến nhiễm trùng, viêm phúc mạc toàn thể ổ bụng. Tỷ lệ biến chứng loét dạ dày, tá tràng khoảng 10-20%, trong đó thủng chiếm 2-14%. Nếu phát hiện chậm trễ và xử trí không kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong khoảng 2,5-10%. Ông Đấu được can thiệp kịp thời để ngăn nguy cơ biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
Bác sĩ phẫu thuật nội soi ngay trong đêm, ghi nhận ổ bụng có nhiều dịch mủ tập trung ở vị trí dưới và trên gan phải, dạ dày và hành tá tràng. Mặt trước phía bờ cong nhỏ dạ dày có lỗ thủng tròn đều kích thước 5 mm, đang rỉ dịch tiêu hóa và dịch mật. Bác sĩ hút rửa sạch ổ bụng bằng nước ấm nhiều lần cho đến khi nước trong. Sau đó, sinh thiết bờ lỗ thủng, khâu lại lỗ thủng, đắp mạc nối lớn lên vị trí thủng.
Hậu phẫu, ông Đấu giảm đau bụng, hết sốt, uống được nước đường, ăn súp sau hai ngày và dần chuyển sang chế độ ăn đặc, xuất viện sau 7 ngày. Bác sĩ hẹn lịch tái khám và nội soi kiểm tra dạ dày sau một tháng.
Thủng dạ dày - tá tràng là một trong 4 bệnh lý cấp cứu ngoại khoa thường gặp cùng với viêm ruột thừa cấp, tắc ruột, viêm tụy cấp. Thủng ổ loét là biến chứng nặng của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Triệu chứng gồm đau bụng đột ngột dữ dội, liên tục, bụng cứng. Khi dịch tiêu hóa tràn vào khoang phúc mạc, người bệnh có dấu hiệu sốc như mạch đập nhanh, huyết áp tụt, vã mồ hôi, thở nhanh...
Bác sĩ Uẫn khuyến cáo người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần đi khám sớm. Viêm loét hành tá tràng có thể điều trị ổn định bằng thuốc, kết hợp ăn uống, sinh hoạt khoa học. Bác sĩ Uẫn cho biết mỗi người nên ăn uống điều độ, không bỏ bữa, không ăn quá no hay để bụng đói, chia nhỏ khoảng 4-5 cữ mỗi ngày. Hạn chế thức ăn chua, cay, rượu bia, nước ngọt có gas... Sau điều trị, người bệnh nên tái khám kiểm tra để đánh giá tình trạng bệnh. Người khỏe mạnh cũng nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời bất thường đường tiêu hóa nếu có.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |