Ngày 27/12, bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, cho biết người phụ nữ này đã nâng mũi bằng filler tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Filler là chất làm đầy thường dùng trong thẩm mỹ, tiêm trực tiếp vào các vùng như sống mũi, mặt hoặc khu vực teo lõm do lão hóa. Giá cho thủ thuật này là 15 triệu đồng, được giảm về 7 triệu.
Thông thường, filler tự tan nhờ cơ chế đào thải tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, sau tiêm, bệnh nhân bị sốt, đau nhức, khó chịu. Khi tình trạng nặng hơn, chị mới đến viện. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng mũi, nguy cơ để lại sẹo hoặc biến dạng mặt nếu không xử lý kịp thời. Bệnh nhân được tiêm tan filler, điều trị kháng sinh và chăm sóc tích cực để phục hồi vùng da tổn thương.
Trường hợp khác, một phụ nữ 29 tuổi nghe quảng cáo trên mạng, đến spa tiêm 100 ml filler vào mỗi bên ngực để cải thiện vòng một, chi phí 30 triệu đồng. Nhân viên cam kết ngực đẹp ngay, không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, filler này đã bị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm tiêm vào ngực do nguy cơ tổn thương tuyến vú.
Sau tiêm, bệnh nhân đau đớn, ngực sưng to bất thường. Bác sĩ siêu âm phát hiện nhiều ổ viêm trong tuyến vú, do silicone lan tỏa vào mô và cơ quan, gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể nhiễm trùng, tắc mạch, hoại tử, thậm chí phá hủy thành ngực.
Bác sĩ đã nạo hút silicone lỏng, loại bỏ dịch viêm, bóc bao xơ và tái tạo tuyến vú cho bệnh nhân.
Bác sĩ nhận định cận Tết là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng cao, nhiều cơ sở thẩm mỹ tung ưu đãi như "giá rẻ", "đẹp ăn liền", giảm giá 50-70%, thậm chí hoàn tiền nếu không hiệu quả để thu hút khách. Tuy nhiên, các dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng.
Nhiều cơ sở không thuộc chuyên ngành da liễu hay phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí không được đào tạo y tế, vẫn thực hiện các thủ thuật làm đẹp như tiêm filler nâng mũi, nâng ngực. Người thực hiện thường thiếu kiến thức về giải phẫu, lão hóa, hoặc sử dụng chất liệu không phù hợp, dẫn đến tai biến. Ngoài ra, biến chứng còn do chất phụ gia trong filler, thuốc tê, chỉ sinh học, hoặc phản ứng thuốc gây mê.
Các phẫu thuật như cắt mí, tạo lúm đồng tiền... cũng tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm, sốc thuốc. Nhiều trường hợp tai biến phải ghép da, tạo hình, gây tốn kém thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ khuyến cáo, người làm đẹp nên chọn cơ sở uy tín, có chuyên môn, được tư vấn kỹ lưỡng và sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc. Cận Tết, không nên thực hiện phẫu thuật lớn, đặc biệt trên mặt, vì dễ gây sưng nề, mất tự nhiên, ảnh hưởng kế hoạch vui chơi. Thay vào đó, nên chọn các dịch vụ thẩm mỹ nội khoa, không xâm lấn, giúp hồi phục nhanh và hiệu quả.
Thúy Quỳnh