Trẻ ăn thịt đỏ mỗi ngày có dậy thì sớm không?

Trả lời:

Tuổi dậy thì là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện qua những thay đổi về hình dạng, kích thước của cơ thể. Trẻ gái thường dậy thì khoảng 8-13 tuổi với các biểu hiện ngực phát triển, mọc lông ở vùng kín, nách, tiết dịch âm đạo, có kinh nguyệt hoặc nổi mụn. Nếu các dấu hiệu dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi, trẻ được chẩn đoán là dậy thì sớm.

Các yếu tố như thừa cân, béo phì, chế độ ăn uống nhiều đường, chất béo, ít vận động, ăn quá nhiều thịt đỏ góp phần làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ gái. Nguyên nhân do hàm lượng sắt và kẽm cao trong thịt đỏ. Đây là các vi chất cần thiết cho sự phát triển nhưng dư thừa có thể kích thích cơ thể phát triển sớm hơn.

Một số gia súc được nuôi công nghiệp nên thịt đỏ có thể chứa hormone tăng trưởng hoặc chất tồn dư từ thức ăn chăn nuôi, ảnh hưởng đến mức độ hormone sinh dục trong cơ thể. Các chất sinh ra trong quá trình chế biến hoặc nấu thịt đỏ như thịt nướng, thịt chế biến sẵn cũng có thể tác động đến sự phát triển hormone.

Để giảm nguy cơ dậy thì sớm và đảm bảo sức khỏe, bạn cần chú ý chế độ ăn uống và lối sống của con. Trẻ không cần loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ khỏi chế độ ăn, nhưng nên giảm tần suất tiêu thụ xuống còn 2-3 lần mỗi tuần. Ưu tiên loại thịt nạc, không qua chế biến. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng thịt đỏ mà trẻ có thể ăn mỗi lần phù hợp với thể trạng.

Bạn cần cho con ăn đa dạng thực phẩm. Tăng cường cá, thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá mòi rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Bổ sung rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt. Đây là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết, góp phần cân bằng dinh dưỡng, kiểm soát cân nặng.

Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt vì các loại thực phẩm này thường chứa nhiều đường, chất béo không lành mạnh, calo rỗng, góp phần gây thừa cân và dậy thì sớm. Khuyến khích trẻ vận động, tăng cường hoạt động thể chất giúp kiểm soát cân nặng, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.

Con bạn 6 tuổi có dấu hiệu dậy thì sớm, bạn cần đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi, nội tiết, dinh dưỡng để được chẩn đoán, tư vấn cụ thể. Các bác sĩ kiểm tra, xét nghiệm nội tiết, vi chất trong cơ thể, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đồng thời bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học để can thiệp hoặc hạn chế nguy cơ dậy thì sớm.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp