Trở về từ cõi chết nhờ được kíp y tế công ty ép tim kịp thời

"Tỉnh dậy trong bệnh viện, nghe mọi người kể lại tôi mới biết mình trở về từ cõi chết, không nhớ đã xảy ra chuyện gì", bệnh nhân nói khi nằm trên giường bệnh, chiều 21/11. Ông hồi phục tốt, ăn uống bình thường sau 3 ngày đối diện với tử thần. Trước đó, ông không xuất hiện triệu chứng bất thường, bị tăng huyết áp vài năm nay vẫn duy trì uống thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Đạo Hiển, trưởng trạm y tế công ty tại huyện Bình Chánh - nơi bệnh nhân làm việc, cho biết hai nhân viên y tế vừa thay phiên hồi sinh tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực bệnh nhân vừa gọi điện đến BS.CK1 Nguyễn Đức Tới, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, nhờ hỗ trợ. Sau khi bệnh nhân có nhịp tim trở lại, êkíp truyền thuốc vận mạch nâng huyết áp rồi đưa lên xe cấp cứu của công ty di chuyển đến bệnh viện.

"Trên xe cấp cứu, chúng tôi vẫn liên tục ép tim, tổng cộng thời gian khoảng 20 phút ở công ty và 20 phút trên xe", bác sĩ Hiển nói. Công ty này có 1.600 nhân viên, trạm y tế cơ quan gồm 11 người từng tham gia đào tạo về sơ cấp cứu nhiều lần tại Bệnh viện Thống Nhất.

Khi vào khoa cấp cứu, người bệnh ngưng tim lần hai, được sốc điện liên tục giúp hồi phục tuần hoàn. Siêu âm tim ghi nhận tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân được chuyển lên phòng can thiệp, trong vòng khoảng 20 phút sau khi nhập viện.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết êkíp nhanh chóng chụp mạch vành cho bệnh nhân, kết quả ghi nhận nhánh mạch vành chính tắc hoàn toàn. Đây là thủ phạm gây ngưng tim. Ngoài ra, hai mạch vành còn lại cũng hẹp rất nặng. Các bác sĩ đặt hai stent giúp tái thông dòng chảy mạch máu, "hồi phục ngoạn mục".

"Đây là trường hợp rất hy hữu, được cứu sống kịp thời nhờ sự kết hợp của y tế cơ quan và điều trị chuyên sâu, không để lại di chứng, bởi bệnh nhân ngừng tim 4 phút sẽ chết não", phó giáo sư Tân nói.

Bệnh nhân hồi phục sau khi cấp cứu, can thiệp kịp thời. Ảnh: Lê Phương

Bệnh nhân hồi phục sau khi cấp cứu, can thiệp kịp thời. Ảnh: Lê Phương

Theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nơi này tiếp nhận nhiều ca ngưng tim ngoại viện, hầu hết bệnh nhân không được sơ cứu ban đầu kịp thời, vào viện trễ dẫn đến tử vong. Nếu may mắn giữ được tính mạng, bệnh nhân cũng phải sống chung với nhiều di chứng nặng nề.

Lãnh đạo bệnh viện cho rằng thành công của ca này đặt ra nhiều vấn đề trong việc đào tạo sơ cấp cứu ban đầu, việc tổ chức hệ thống liên hoàn và phối hợp giữa tuyến cơ sở với tuyến điều trị chuyên sâu trong những tình huống nguy cấp. Nhờ sự chủ động báo trước, bác sĩ tại bệnh viện cũng chủ động sẵn sàng khi tiếp nhận, giúp rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân. Thời gian qua, bệnh viện đào tạo huấn luyện, hỗ trợ về y tế cho một số doanh nghiệp.

Ở các nước phát triển, việc dạy sơ cấp cứu rất phổ biến ở trường học, ở cộng đồng. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đào tạo sơ cấp cứu cho người lao động. Những nơi tập trung đông người như siêu thị, bến tàu xe... đều có trang bị máy sốc điện để sơ cứu ngưng tim kịp thời.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm, xảy ra do tắc nghẽn nhánh mạch vành, dễ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Bệnh thường gặp ở người có yếu tố nguy cơ tim mạch cao như lớn tuổi, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì...

Biểu hiện thường gặp của nhồi máu cơ tim là đau tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp... Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Can thiệp động mạch vành trong những giờ đầu tiên được xem là biện pháp điều trị hàng đầu.

Người có nhiều yếu tố nguy cơ nên đi tầm soát bệnh lý mạch vành thường xuyên. Với người lớn tuổi, các triệu chứng bệnh đôi khi không rõ ràng. Ở người trẻ, trên 90% bệnh nhân nhồi máu cơ tim có biểu hiện đau tức ngực trái kéo dài trên 30 phút.

Các bước cấp cứu ngưng tim, ngưng thở
 
 

Cách ép tim cứu người ngưng thở, ngưng thở. Video: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM

Lê Phương