U tuyến thượng thận gây cao huyết áp

Chị Yên bị cao huyết áp từ khi mang thai con trai đầu lòng, được bác sĩ theo dõi sát sao nên may mắn thai kỳ an toàn, sinh con thành công. 7 năm qua, chị uống nhiều loại thuốc nhưng không hiệu quả, huyết áp luôn dao động 140-160/80 mmHg, cao hơn mức bình thường 120/80 mmHg. Các bác sĩ cảnh báo tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến thai phụ và thai nhi nên vợ chồng chị chưa dám sinh thêm con. Bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, chẩn đoán tăng huyết áp vô căn.

Ngày 28/11, ThS.BS.CKII Phạm Thanh Trúc, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả xét nghiệm ghi nhận mức kali trong máu của chị Yên chỉ còn 2,1 mmol/l (bình thường là 3,5-5 mmol/l). Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính vùng bụng cho thấy vỏ tuyến thượng thận trái có một khối u, kích thước 13 mm.

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ, hình tam giác, nằm ngay bên trên thận. Khi xuất hiện khối u, tuyến này tăng cường tiết ra một loại hormone gọi là aldosteron. Hormone làm tăng giữ natri và đào thải kali khỏi máu. "Tăng aldosteron và kali máu giảm quá mức là nguyên nhân khiến người bệnh tăng huyết áp, đau đầu, mệt mỏi, yếu cơ", bác sĩ Trúc nói, thêm rằng phần lớn u tuyến thượng thận lành tính, giống trường hợp chị Yên.

Bác sĩ Trúc (thứ hai bên trái) phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng thận cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trúc (thứ hai bên trái) phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng thận cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trúc hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, thống nhất điều trị đưa mức kali máu về bình thường, sau đó phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u tuyến thượng thận. Cuộc mổ cần chính xác bởi chỉ cần tác động vào u tuyến thượng thận có thể gây tăng huyết áp đột ngột, khiến người bệnh đối mặt nguy cơ tai biến mạch máu não ngay trên bàn mổ.

Êkíp phối hợp đưa thiết bị nội soi vào ổ bụng người bệnh, tiếp cận thận trái, bóc tách, mở đường hướng đến tuyến thượng thận nằm sâu bên trong. Sau đó, êkíp cắt tĩnh mạch trung tâm tuyến thượng thận cùng các mạch máu nuôi u và các kết nối xung quanh. Bác sĩ lấy thành công toàn bộ khối u ra ngoài mà không chạm vào khối u, bảo tồn tuyến thượng thận.

Hai ngày sau mổ, chị Yên ổn định huyết áp, không còn yếu cơ tay chân, được xuất viện. Tái khám sau một tuần, bác sĩ Trúc cho biết sức khỏe của chị Yên hoàn toàn phục hồi, có thể mang thai.

Khối u tuyến thượng thận nhỏ bằng quả sơri khiến chị Yên tăng huyết áp suốt 7 năm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Khối u tuyến thượng thận nhỏ bằng quả sơ ri khiến chị Yên tăng huyết áp suốt 7 năm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

U tuyến thượng thận là dạng u ít gặp trong hệ tiết niệu, tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam. Có hai dạng u tuyến thượng thận gồm không tăng tiết hormone và có tăng tiết hormone. Dạng không tăng tiết hormone phổ biến hơn, thường chỉ tình cờ phát hiện khi chụp CT bụng, không gây triệu chứng ở người bệnh nên chỉ cần theo dõi, chưa cần điều trị. Bác sĩ Trúc dẫn nghiên cứu cho hay khoảng 15% trường hợp u tuyến thượng thận đi kèm tình trạng tăng tiết hormone. Trong đó, trường hợp tăng tiết aldosterone giống chị Yên chỉ 1,5-3%.

U tuyến thượng thận tăng tiết hormone có nhiều triệu chứng như tăng huyết áp, yếu cơ, liệt tay chân, đau đầu, mệt mỏi, co quắp tay chân, tăng cân, khát nước thường xuyên. Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể bị suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim do hạ kali máu.

Bác sĩ Trúc khuyến cáo người tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, các đợt tăng huyết áp xuất hiện đột ngột rồi biến mất, nhất là ở người trẻ, cần đi khám, tầm soát khả năng u tuyến thượng thận để có biện pháp điều trị phù hợp.

Thắng Vũ

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp