Uống nhiều thuốc giảm đau có hại gan không?

Trả lời:

Gan có chức năng chuyển hóa và thải trừ các chất hóa học từ thuốc. Lạm dụng thuốc khi không có chỉ định và theo dõi của bác sĩ có thể khiến gan bị quá tải, suy giảm chức năng. Tích tụ các chất độc hại trong gan làm tăng nguy cơ viêm gan cấp tính hoặc mạn tính, xơ hóa gan không hồi phục và các tổn thương gan khác.

Cơ thể xử lý thuốc bằng cách biến đổi về mặt hóa học hoặc chuyển hóa để có thể sử dụng và đào thải. Hầu hết quá trình xử lý này được thực hiện bởi các enzyme ở gan. Thuốc và gan có thể ảnh hưởng lẫn nhau, rối loạn gan làm thay đổi cách chuyển hóa thuốc, ngược lại một số loại thuốc gây hại cho gan. Nhiều yếu tố khác như thực phẩm, cấu tạo gene, sử dụng các loại thuốc khác... ảnh hưởng đến cách gan chuyển hóa thuốc.

Nhiều người xuất hiện các triệu chứng thông thường như đau đầu, đau bụng hoặc các bệnh cũ tái phát, thường tự mua theo đơn thuốc cũ hoặc tự mua theo gợi ý của hiệu thuốc. Không xác định chính xác tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây bệnh, tự ý mua và dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ dễ gây hại gan. Không ít người còn có thói quen dùng thực phẩm bổ sung và thảo dược theo thông tin trên mạng.

Một số loại thuốc như thuộc nhóm acetaminophen có tác dụng giảm đau. Thuốc chuyển hóa trong cơ thể tạo ra các chất trung gian gây độc cho tế bào gan, dẫn đến phản ứng miễn dịch, viêm gan do thuốc. Một số thuốc khác làm ức chế enzyme cần thiết trong gan, gây rối loạn chức năng của cơ quan này.

Bác sĩ Khanh khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Khanh khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Nguy cơ nhiễm độc gan do thuốc cao hơn ở người bệnh dùng thuốc giảm đau không kê đơn nhiều hơn liều khuyến cáo, người mắc bệnh xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc viêm gan. Uống thuốc giảm đau hoặc uống thuốc cùng với rượu có thể gây đột biến gene ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan cũng như nhiễm độc gan.

Bạn không nên dùng thuốc giảm đau mỗi khi đau bụng, đau đầu như hiện tại. Bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh, từ đó bác sĩ chỉ định hướng điều trị phù hợp, giúp khỏi bệnh triệt để.

Dấu hiệu gan tổn thương gồm da và mắt vàng, đau sưng bụng, sưng ở chân và mắt cá chân, da ngứa khô, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, chán ăn... Khi có những dấu hiệu trên, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt.

Để xác định tổn thương gan, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như xét nghiệm máu nhằm kiểm tra nồng độ men gan và chức năng gan, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, sinh thiết gan... Phác đồ điều trị được đưa ra tùy vào triệu chứng bệnh và mức độ tổn thương gan.

Mọi người dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng liều. Tránh kết hợp nhiều loại thuốc có độc tính cao với gan. Không uống rượu trong khi dùng thuốc. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu phải dùng thuốc trong thời gian dài.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp