Kết quả trên trích từ nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Jama vào cuối tháng 11. Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của vaccine HPV, tính cấp thiết cải thiện tỷ lệ chủng ngừa.
Cụ thể, giai đoạn 1992-2021, có 398 ca tử vong do ung thư cổ tử cung ở phụ nữ dưới 25 tuổi được báo cáo. Trong đó, giai đoạn 1992-1994, tỷ lệ tử vong giảm 3,7%. Các giai đoạn 2013-2015 và 2019-2021, tỷ lệ tử vong giảm đến 15,2% một năm.
Vaccine HPV được khuyến cáo chủng ngừa cho phụ nữ Mỹ từ năm 2006, từ năm 2011 đối với nam giới. Đến nay, khoảng 135 triệu liều vaccine được sử dụng tại Mỹ. Nhờ đó, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung giảm 12% mỗi năm trong giai đoạn 2012-2019; các ca bệnh ung thư và mụn cóc sinh dục do HPV cũng hơn 80% ở nữ giới tuổi vị thành niên và nhóm trên 18 tuổi, tỷ lệ tiền ung thư cổ tử cung giảm 40%. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá vaccine đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh và giảm số ca tử vong.
HPV là virus lây truyền qua đường tình dục, mỗi người có nguy cơ nhiễm HPV tối thiểu một lần trong đời. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ghi nhận khoảng 13 triệu ca nhiễm HPV mỗi năm, trong đó có khoảng 36.000 ca ung thư ở nam và nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ chủng ngừa HPV tại Mỹ giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, từ 79,3% năm 2022 còn 75,9% năm 2023.
Virus HPV có hơn 200 loại khác nhau, trong đó khoảng 40 loại tác động tới cơ quan sinh dục, cổ họng. Hầu hết trường hợp nhiễm HPV có thể tự khỏi, song một số chủng nguy cơ cao gây ung thư tại các vị trí: tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, miệng họng...
Vaccine là biện pháp ngừa HPV hiệu quả nhất, chống lại mụn cóc sinh dục và một số bệnh ung thư. Phác đồ chủng ngừa căn cứ theo độ tuổi. Trẻ từ 9-14 tuổi cần hai mũi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 6 tháng. Người từ 15-45 tuổi tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng. Người quên lịch tiêm hoặc trễ lịch tiêm, không cần tiêm lại từ đầu mà tiêm tiếp theo liệu trình phù hợp.
Chi Lê (Theo Newsweek, Jama)