Vaccine nào phòng viêm phổi khi trời trở lạnh?

Bác sĩ Phạm Văn Phú, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết viêm phổi thường gặp trong mùa lạnh. Bệnh có triệu chứng sốt, ho, khó thở, thở mệt và đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Viêm phổi do nhiều tác nhân gây ra, trong đó có những tác nhân được liệt kê dưới đây.

Cúm

Cúm gây ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể. Bệnh có thể tự khỏi sau một tuần, tuy nhiên vẫn có thể gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng đường tiết niệu, tổn thương gan...

Nhóm nguy cơ cao mắc viêm phổi và trở nặng do cúm gồm người có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ, cao tuổi, phụ nữ mang thai, có bệnh nền. Trong quá trình mắc cúm, người bệnh có thể bội nhiễm thêm các loại virus, vi khuẩn khác. Việc này tăng nặng tình trạng viêm phổi, viêm màng não, nguy cơ nhập viện và tử vong. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 90% ca tử vong ở người lớn tuổi là do viêm phổi và cúm.

Hiện nước ta đã có vaccine cúm tứ giá giúp phòng 4 chủng cúm nguy hiểm gồm cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B (Yamagata, Victoria), tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Vaccine cúm cần tiêm nhắc mỗi năm sau lịch tiêm cơ bản. Chủng ngừa đầy đủ, vaccine có hiệu quả bảo vệ lên đến 90%.

Phế cầu

Theo CDC Mỹ, vi khuẩn phế cầu trú trong vùng họng của 90% dân số và xâm nhập gây bệnh khi cơ thể suy yếu. Bên cạnh viêm phổi, phế cầu còn gây viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, có khả năng đồng nhiễm với nhiều tác nhân và đề kháng kháng sinh khiến bệnh nặng, điều trị khó khăn.

Việt Nam hiện có 3 loại vaccine phế cầu giúp phòng lần lượt 10 chủng, 13 chủng và 23 chủng phế cầu xâm lấn. Trong đó, vaccine phế cầu 10 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, vaccine phế cầu 13 tiêm cho người từ 6 tuần tuổi trở lên, vaccine phế cầu 23 tiêm cho người từ 2 tuổi.

Trong đó, vaccine phế cầu 23 được khuyến cáo tiêm bổ sung sau khi chủng ngừa phế cầu 10 và 13 nhằm củng cố và tăng cường hiệu quả phòng bệnh. Tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch, các vaccine phế cầu có hiệu quả bảo vệ lên đến 97%.

Phụ huynh đưa trẻ đến tiêm phòng các bệnh hô hấp tại VNVC. Ảnh: Gia Nghi

Phụ huynh đưa trẻ đến tiêm phòng các bệnh hô hấp tại VNVC. Ảnh: Gia Nghi

Sởi

Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người. Biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi, sau đó đến viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não... Thai phụ mắc sởi tăng nguy cơ viêm phổi, sinh non, thai lưu.

Hiện vaccine sởi có mũi sởi đơn và mũi phối hợp sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella. Vaccine tiêm cho người từ 9 tháng tuổi. Mỗi người cần tiêm ít nhất 2 mũi sởi. Phụ nữ nên tiêm vaccine sởi trước mang thai tốt nhất 3 tháng hoặc ít nhất 1 tháng.

Trẻ tại TP HCM có thể tiêm ngừa sởi từ 6 tháng tuổi theo công bố mới nhất về mở rộng tuổi tiêm cho trẻ trong vùng dịch. Vaccine sởi có hiệu quả lên đến 98% khi tiêm phòng đầy đủ.

Não mô cầu

Não mô cầu có thể gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Bệnh thường khởi phát đột ngột, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm cúm, tăng nguy cơ tử vong và gặp di chứng cho người bệnh khi không được điều trị kịp thời.

5 nhóm vi khuẩn não mô cầu thường gặp gồm A, B, C, Y, W-135 đã có vaccine phòng ngừa. Trong đó, loại não mô cầu nhóm B thế hệ mới của Ý tiêm từ 2 tháng tuổi đến 50 tuổi, loại não mô cầu BC của Cuba tiêm từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi còn loại não mô cầu ACYW-135 của Mỹ tiêm từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi. Mỗi người cần tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng ngừa cả 5 nhóm vi khuẩn.

Bạch hầu, ho gà, Hib

Ho gà thường gặp và gây bệnh nặng ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng với các cơn ho kéo dài, tiếng rít như tiếng gà. Ho gà có thể dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, suy tuần hoàn... Trẻ càng nhỏ, mắc ho gà có nguy cơ tử vong càng cao. Ở người lớn, ho gà có thể gây ra các cơn ho nặng, dai dẳng đến gãy xương sườn.

Bạch hầu vừa gây nhiễm trùng vừa gây nhiễm độc, đặc trưng với lớp giả mạc ở vùng họng. Lớp giả mạc này có thể phồng to gây tắt đường thở cùng các biến chứng như viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh. Thai phụ mắc bạch hầu làm tăng nguy cơ thai lưu, sinh non, tử vong.

Nhiễm khuẩn Hib ngoài gây viêm phổi còn có thể khiến người bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản cấp tính, viêm màng não, thường xảy ra ở trẻ nhỏ.

Thành phần bạch hầu, ho gà, các bệnh do Hib được phối hợp trong các vaccine cho cả trẻ em và người lớn, như mũi 6 trong 1, 5 trong 1, 4 trong 1, 3 trong 1. Trong đó, phụ nữ mang thai cần tiêm ngừa vaccine phối hợp phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván trong thai kỳ giúp truyền kháng thể sang thai nhi, bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời khi chưa được tiêm ngừa.

Để phòng viêm phổi cũng như các bệnh lây qua đường hô hấp khác, bác sĩ Phú khuyến cáo người dân cần kết hợp các biện pháp khác, như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ nhà cửa thông thoáng, tăng cường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao thể trạng.

Nhật Linh