Vì sao nhóm trên 50 tuổi cần phòng cúm A/H1N1?

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên, thêm rằng có nhiều lý do khiến người từ 50 tuổi dễ trở nặng do cúm A/H1N1. Với người trong độ tuổi này hệ miễn dịch bắt đầu lão hóa, bệnh nền xuất hiện. Virus cúm gây suy yếu hệ miễn dịch, khiến niêm mạc hô hấp bị tổn thương, dẫn tới bệnh nhân dễ bội nhiễm virus, vi khuẩn khác.

Nhiễm cúm còn làm tăng nặng tình trạng bệnh nền. Ví dụ, ở nhóm bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, đường hô hấp suy yếu khiến cúm dễ gây viêm phổi, tăng nguy cơ nhập viện, thở máy, tử vong. Với nhóm bệnh đái tháo đường, cúm làm tăng hoặc giảm đường huyết thất thường gây khó khăn cho kiểm soát bệnh hơn.

Cúm còn gây tổn thương đường hô hấp, mở đường cho các loại virus, vi khuẩn khác xâm lấn làm tăng nguy cơ bội nhiễm, thường gặp là phế cầu khuẩn. Từ đó, người bệnh gặp tình trạng viêm phổi, viêm màng não, tăng nguy cơ nhập viện và tử vong. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 90% ca tử vong ở người lớn tuổi là do viêm phổi và cúm.

Hệ miễn dịch suy giảm, mắc nhiều bệnh nền là nguyên nhân làm người trên 50 tuổi dễ mắc cúm và trở nặng. Ảnh minh họa: Vecteezy

Hệ miễn dịch suy giảm, mắc nhiều bệnh nền là nguyên nhân làm người trên 50 tuổi dễ mắc cúm và trở nặng. Ảnh minh họa: Vecteezy

Khi nhiễm cúm, cơ thể người cao tuổi dễ sản xuất các cytokine gây viêm để tấn công virus. Phản ứng viêm này cũng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác như gây nên tình trạng tăng đông, tăng cường phản ứng giao cảm. Mô khỏe mạnh bị tổn thương dẫn đến tình trạng viêm nhiễm lan rộng, suy đa cơ quan.

Thời gian qua, cúm A/H1N1 xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Gần nhất, Sở Y tế Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A/H1N1 trong hơn một tháng, đều trên 50 tuổi và mắc bệnh nền. Trên thực tế, chủng virus A/H1N1 từng gây đại dịch cúm vào năm 2009 trên toàn cầu, song nay được xem là cúm mùa lưu hành thường niên. Bộ Y tế ghi nhận 600.000 đến một triệu ca cúm mùa một năm, trong đó có chủng H1N1.

Virus này có tốc độ lây lan nhanh, dễ xâm nhập cơ thể, dễ phát tán trong môi trường, khó kiểm soát nguồn lây. Triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp bởi không có dấu hiệu đáng kể để phân biệt, vì vậy dễ chủ quan hoặc chẩn đoán sai và bỏ sót bệnh. Bệnh có thể diễn tiến nặng như bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng, tử vong...

Cúm lây qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus. Khi trở nặng, bệnh nhân bứt rứt, khó chịu hoặc lừ đừ, ngủ lịm, co giật, bất tỉnh, thở nhanh, tím tái... Bộ Y tế khuyến cáo nếu có một trong các triệu chứng nói trên, người bệnh cần đến bệnh viện sớm, đặc biệt là nhóm người già, bệnh nền, hoặc có nguy cơ cao trở nặng.

Người cao tuổi tiêm vaccine phòng cúm tại VNVC. Ảnh: Mỹ Ngọc

Người cao tuổi tiêm vaccine phòng cúm tại VNVC. Ảnh: Mỹ Ngọc

Phòng bệnh bằng cách rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, ăn đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên lau chùi các bề mặt dễ bám virus cúm trong nhà và tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng... Trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế khám, điều trị, phòng tránh lây lan.

Bác sĩ Chính khuyến cáo người trên 50 tuổi nên tiêm ngừa cúm hàng năm. Vaccine có hiệu quả phòng bệnh đến 90%, giúp giảm 47% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm nguy cơ nhập viện do viêm phổi, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim 15-45%. Người từ 50 tuổi trở lên ngoài tiêm vaccine cúm cũng nên tiêm mũi ngừa phế cầu để tránh bội nhiễm khi mắc cúm.

Hiện Việt Nam đã có vaccine cúm phòng 4 chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ em và người lớn. Người lớn chỉ cần tiêm một liều cơ bản và nhắc lại hằng năm để cập nhật vaccine phòng cúm với chủng đang lưu hành cho hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Với phế cầu khuẩn, người lớn cần tiêm trước một mũi phế cầu 13, sau đó tiêm tiếp loại phế cầu 23 để phòng ngừa đầy đủ các chủng vi khuẩn phế cầu, sau đó nhắc lại phế cầu 23 theo chỉ định của bác sĩ.

Diệu Thuần