Vì sao phụ nữ bị đau bụng dưới?

Đau bụng dưới, hay đau vùng chậu (ngay dưới rốn và trên khớp mu), là vấn đề phổ biến ở phụ nữ. Bạn có thể đột nhiên cảm thấy đau ở vùng chậu, có thể hoặc không thể tự khỏi. Đôi khi, tình trạng này kéo dài vài tháng. Trong một số trường hợp, tình trạng này kèm theo đau lưng hoặc đau đùi, buồn nôn và khí hư bất thường.

Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ. Nhưng theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, loại đau này phổ biến ở phụ nữ hơn.

Đau vùng chậu có hai loại, gồm cấp tính và mãn tính. Đau vùng chậu cấp tính là đau đột ngột và dữ dội, thường do các tình trạng như u nang buồng trứng, bệnh viêm vùng chậu hoặc mang thai ngoài tử cung. Trong khi đó đau vùng chậu mãn tính kéo dài trong sáu tháng hoặc lâu hơn, có thể liên tục hoặc ngắt quãng. Nó thường liên quan đến các tình trạng như lạc nội mạc tử cung hoặc các vấn đề mãn tính về bàng quang hoặc ruột. Dưới đây là các nguyên nhân gây đau vùng chậu.

Ảnh: Centric Health

Ảnh: Centric Health

Đau bụng kinh

Cơn đau do tử cung co bóp trong kỳ kinh nguyệt. Chuyên gia cho biết: "Tình trạng này thường gặp và gây ra cảm giác đau quặn ở bụng dưới trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, và thường hết sau vài ngày". Trong một nghiên cứu vào tháng hai được công bố trên Tạp chí Y học Cá nhân hóa, các tác động của chu kỳ kinh nguyệt đối với triệu chứng vùng chậu của phụ nữ đã được phân tích. Có tới 41,3% người tham gia bị đau vùng chậu khi đến kỳ kinh nguyệt.

Bệnh lạc nội mạc tử cung

Trong trường hợp lạc nội mạc tử cung, mô tương tự niêm mạc tử cung, phát triển bên ngoài tử cung. "Mô này phản ứng với chu kỳ kinh nguyệt và gây viêm, đau ở vùng chậu, đôi khi thậm chí vô sinh", chuyên gia cho biết.

Bệnh viêm vùng chậu

Đây là tình trạng nhiễm trùng các cơ quan sinh sản, thường do bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh chlamydia hoặc bệnh lậu. Bệnh viêm vùng chậu có thể dẫn đến đau vùng chậu dữ dội, sốt và khí hư bất thường. Đau vùng chậu mãn tính được thấy ở khoảng một phần ba phụ nữ mắc bệnh viêm vùng chậu, theo nghiên cứu được công bố trên StatPearls năm 2023.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là những túi chứa đầy dịch phát triển trên buồng trứng, nằm ở mỗi bên tử cung. "Một số u nang vô hại, nhưng nếu chúng vỡ hoặc bị xoắn (xoắn buồng trứng), chúng có thể gây ra cơn đau nhói và cục bộ", bà Jain cho biết.

U xơ tử cung

Đây là những khối u lành tính thường gặp ở tử cung, thường xuất hiện trong giai đoạn sinh sản của phụ nữ. Bác sĩ Jain cho biết: "U xơ tử cung có thể gây đau ở vùng chậu cũng như gây áp lực và chảy máu nhiều, đặc biệt nếu chúng có kích thước lớn".

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Đây là những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ở hệ tiết niệu, chẳng hạn như bàng quang hoặc thận. Chuyên gia cho biết: "Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc UTI thường dẫn đến khó chịu ở vùng chậu, cùng với các triệu chứng như đi tiểu đau, tiểu gấp và sốt".

Viêm bàng quang kẽ

Đây là tình trạng bàng quang mãn tính gây áp lực và đau bàng quang. Đôi khi, tình trạng này cũng dẫn đến đau vùng chậu. Viêm bàng quang kẽ có thể khiến bạn đi tiểu thường xuyên và cảm thấy đau, khó chịu khi bàng quang đầy.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Đây là một rối loạn chức năng tiêu hóa ảnh hưởng đến ruột già. IBS có thể gây ra chuột rút bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón và đau vùng chậu. Trong một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên Tạp chí Tiêu hóa Lâm sàng, 40% phụ nữ bị IBS thấy đau ở vùng chậu.

Táo bón

Khi bị táo bón, bạn gặp khó khăn khi đại tiện và thường kèm theo đầy hơi, khó chịu. Chuyên gia cho biết: "Táo bón mãn tính có thể gây đau vùng chậu vì ruột kết căng ra và tạo áp lực lên các cơ quan lân cận".

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, thường ở ống dẫn trứng. Thai ngoài tử cung có thể gây ra cơn đau vùng chậu dữ dội, đau nhói và được coi là trường hợp cấp cứu y tế. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kế hoạch hóa Gia đình và Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản năm 2012, đây là nguyên nhân đáng kể gây ra bệnh tật ở người mẹ.

Sa cơ quan vùng chậu

Trong trường hợp sa cơ quan vùng chậu, tình trạng suy yếu của cơ sàn chậu khiến các cơ quan vùng chậu như bàng quang, tử cung hoặc trực tràng sa xuống. Chuyên gia cho biết: "Sa có thể gây khó chịu, đau đớn và cảm giác đầy hoặc căng tức ở vùng chậu".

Đau cơ xương

Đây là tình trạng đau ở các cơ, dây chằng hoặc xương vùng chậu. Chuyên gia cho biết: "Chấn thương, sử dụng quá mức hoặc căng cơ, dây chằng vùng chậu có thể gây đau và khó chịu. Cơn đau có thể đặc biệt cảm nhận được trong một số chuyển động hoặc hoạt động thể chất".

Hội chứng đau vùng chậu mãn tính

Đây là tình trạng đau vùng chậu dai dẳng mà không có nguyên nhân hoặc lý do y khoa rõ ràng. Bác sĩ Jain cho biết: "Hội chứng đau vùng chậu mãn tính thường liên quan đến rối loạn chức năng sàn chậu, căng thẳng hoặc các vấn đề về thần kinh, có thể gây ra tình trạng khó chịu và đau đớn kéo dài". Cơn đau có thể kéo dài 6 tháng hoặc thậm chí lâu hơn.

Đau dây thần kinh mu

Đau dây thần kinh mu xảy ra khi có sự kích ứng hoặc tổn thương các dây thần kinh vùng chậu. Đây là tình trạng bệnh lý dẫn đến đau và khó chịu ở vùng chậu. Đôi khi, bạn cảm thấy tê ở vùng chậu. Tình trạng này xảy ra do tổn thương, viêm hoặc chấn thương dây thần kinh mu.

Tăng sản nội mạc tử cung

Đây là tình trạng phát triển quá mức của lớp niêm mạc tử cung. Bác sĩ Jain cho biết: "Tăng sản nội mạc tử cung có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều và chảy máu bất thường cùng với sự khó chịu ở vùng chậu. Đôi khi, nó có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như ung thư".

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh chlamydia, lậu hoặc herpes có thể ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm năm 2010, bệnh chlamydia do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra có thể dẫn đến đau vùng chậu mãn tính. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây ra tình trạng khí hư bất thường, ngứa và cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Ung thư

Các loại ung thư như ung thư buồng trứng, cổ tử cung và tử cung xảy ra khi khối u ác tính hình thành trong các cơ quan sinh sản. "Đau vùng chậu liên quan đến ung thư thường dai dẳng và có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, kèm theo các triệu chứng khác như đầy hơi, sụt cân và thay đổi thói quen đi tiêu hoặc đi tiểu", chuyên gia cho biết. Trong khi nghiên cứu các triệu chứng của ung thư buồng trứng giai đoạn đầu có nguy cơ cao, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đau vùng chậu là dấu hiệu phổ biến nhất ở phụ nữ. Khoảng 70% trong số họ đã trải qua tình trạng này, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sản phụ khoa năm 2023.

Các triệu chứng của đau vùng chậu

- Đau tại chỗ: Đau âm ỉ hoặc đau nhói ở bụng dưới hoặc vùng chậu, cũng có thể cảm nhận ở lưng dưới hoặc đùi.

- Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục: Đau khi thâm nhập, đẩy sâu hoặc sau khi quan hệ tình dục, có thể là cơn đau nhói hoặc đau nhức.

- Đi tiểu hoặc đi tiêu đau: Cảm giác nóng rát hoặc châm chích khi đi tiểu hoặc đi tiêu, thường kèm theo cảm giác buồn tiểu hoặc đi tiêu thường xuyên hơn.

- Khí hư bất thường: Khí hư bất thường (có thể đặc, xanh, vàng hoặc có mùi hôi) hoặc chảy máu bất thường (ra máu, kinh nguyệt ra nhiều hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh).

- Buồn nôn: Cảm thấy buồn nôn hoặc thực sự nôn kèm theo đau vùng chậu.

- Đầy hơi hoặc chướng bụng: Cảm giác đầy hơi hoặc chướng bụng ở bụng dưới, có thể gây khó chịu hoặc khó cử động.

- Đau lưng hoặc đùi: Đau lan tỏa từ vùng chậu đến lưng dưới, mông hoặc đùi.

Làm thế nào để điều trị đau vùng chậu?

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây đau vùng chậu ở phụ nữ, nhưng một số lựa chọn bao gồm:

- Thuốc: Thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng hoặc liệu pháp hormone có thể được dùng cho các tình trạng như lạc nội mạc tử cung.

- Vật lý trị liệu: Các bài tập hoặc liệu pháp sàn chậu có thể giúp thư giãn các cơ căng hoặc tăng cường các cơ yếu.

- Phẫu thuật: Đối với các tình trạng như u xơ, u nang hoặc lạc nội mạc tử cung, có thể cần phải phẫu thuật.

- Thay đổi lối sống: Kiểm soát căng thẳng hoặc giảm cân có thể giúp giảm một số loại đau vùng chậu.

- Liệu pháp nhiệt: Đắp miếng đệm nhiệt hoặc tắm nước ấm có thể giúp giảm chuột rút và căng cơ.

Hướng Dương (Theo Healthshots)