1. Duy trì cân nặng hợp lý
Giảm cân ở độ tuổi 30 dễ hơn so với từ 40 tuổi trở đi. Bởi tuổi tác ngày càng cao, quá trình trao đổi chất, khối lượng cơ nạc của bạn sẽ giảm, dẫn đến dễ tăng cân và khó giảm cân.
Hãy tự hứa với bản thân rằng bạn sẽ đạt được cân nặng khỏe mạnh vào sinh nhật lần thứ 40. Bắt đầu bằng cách phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, tập trung vào việc ăn trái cây và rau, đậu và các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt. Nếu ăn thịt, hãy chọn thịt nạc và không coi thịt thành món chính trong bữa ăn.
Sẽ dễ dàng hơn để duy trì cân nặng đã giảm nếu bạn tập trung thực hiện những thay đổi nhỏ và bền vững. Ăn nhiều protein và chất xơ có thể giúp giảm cảm giác thèm ăn, tăng cơ hội hoàn thành mục tiêu cân nặng.
2. Ưu tiên tập thể dục
Có thể bạn bận rộn và không nghĩ mình có thời gian để tập thể dục. Nhưng nếu bắt đầu tập thường xuyên, bạn sẽ làm việc hiệu quả và cảm thấy khỏe hơn. Bạn cũng sẽ có nhiều năng lượng, ngủ ngon, sáng tạo và hoàn thành được nhiều việc hơn.
3. Học cách ngủ tốt và chất lượng
Ngủ là một thói quen lành mạnh. Hãy dành thời gian ở độ tuổi 30 để rèn luyện kỹ năng ngủ tốt. Học cách chìm vào giấc ngủ trong vòng 30 phút sau khi nằm xuống gối. Hãy hành động để đảm bảo bạn ngủ đủ giấc mỗi đêm và đi khám bác sĩ nếu bạn nghĩ mình bị rối loạn giấc ngủ.
Ngủ không đủ giấc không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể, chẳng hạn làm tăng căng thẳng, dẫn đến ăn uống vô độ và tăng cân, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, mức độ tận hưởng cuộc sống.
4. Tìm một bài tập thư giãn
Thư giãn nên là một phần trong cuộc sống hàng ngày. Nếu tìm ra cách để loại bỏ căng thẳng trong một thời gian, bạn có thể ngăn ngừa nhiều bệnh liên quan đến căng thẳng. Khi đã thiết lập được thói quen thư giãn, bạn sẽ cải thiện cảm giác hiện tại và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh trong tương lai.
Hãy thử yoga và thiền, cả hai đều có thể đem lại sự thư giãn.
5. Chăm sóc làn da
Bạn có thể giữ cho làn da trẻ trung ở tuổi 30 và khỏe mạnh hơn nữa bằng thói quen chăm sóc da thường xuyên, bao gồm cả việc thoa kem chống nắng hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy kem chống nắng có thể ngăn ngừa ung thư da hắc tố.
Mặt trời cũng có thể khiến da bạn lão hóa sớm. Các chuyên gia khuyên nên thoa kem dưỡng ẩm hoặc kem chống nắng hàng ngày loại từ SPF 15 để bảo vệ làn da khỏi các tia UV có hại.
Ngoài việc thoa kem chống nắng, tránh xa ánh nắng mặt trời vào những giờ cao điểm, hãy chăm sóc da hàng ngày bao gồm sữa rửa mặt dịu nhẹ và kem dưỡng ẩm. Chăm sóc da tốt có thể duy trì độ đàn hồi và mịn màng, cải thiện khả năng tái tạo của da.
6. Ăn nhiều rau
Một quy tắc đơn giản để ăn uống lành mạnh là tiêu thụ nhiều sản phẩm thực vật. Rau và trái cây là những thứ tốt nhất cho cơ thể. Lời khuyên về dinh dưỡng hiện nay dường như tập trung vào protein, carbohydrate, chất béo, vitamin, nhưng những thứ tốt nhất bạn có thể ăn là trái cây và rau.
Người ăn chay có động mạch khỏe mạnh nhất và nguy cơ mắc bệnh tim thấp. Hãy bắt đầu ăn rau để có tuổi già và trái tim khỏe mạnh.
7. Uống nhiều nước
Giữ cơ thể đủ nước là một cách quan trọng để ngăn ngừa các tình trạng liên quan đến tuổi tác như bệnh thận và tim. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước và béo phì cũng có mối liên hệ.
Lượng nước bạn cần uống khác nhau tùy theo từng người. Hầu hết mọi người nên uống từ 4 đến 6 cốc nước mỗi ngày, nhưng hãy nhớ bạn còn nhận được nước từ thực phẩm và những thứ khác bạn uống. Tập thể dục, nhiệt độ và các loại thuốc đang dùng cũng có thể ảnh hưởng đến lượng nước bạn cần uống.
Một cách tốt để biết bạn có đủ nước hay không là xem màu nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu sẫm, bạn không uống đủ nước. Nước tiểu màu vàng nhạt hoặc trong là dấu hiệu cho thấy bạn đủ nước.
8. Bắt đầu khám sàng lọc và xét nghiệm
Đừng nghĩ rằng bạn "mới" 30 tuổi thì bạn không có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh về lối sống khác có thể đã bắt đầu trong cơ thể ở độ tuổi này.
Bạn cũng cần sàng lọc một vài lần, đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư hoặc bệnh tim. Đã đến lúc trao đổi với bác sĩ về việc phòng ngừa và đặt (và giữ) các cuộc hẹn đó.
9. Làm chủ thời gian
Nhiều người có thói quen cố gắng làm quá nhiều việc và khi cảm thấy áp lực, họ không ăn uống đúng cách, bỏ tập thể dục.
Hãy thử đánh giá thời gian ở độ tuổi 30. Bạn có cảm thấy thoải mái, như thể có rất nhiều thời gian cho mọi thứ không? Nếu câu trả lời của bạn là không, thì bạn cần loại bỏ một số thứ.
Tivi, điện thoại di động, Internet và phương tiện truyền thông xã hội thường là những thứ ngốn rất nhiều thời gian. Hãy nỗ lực ngay bây giờ để làm chủ thời gian và mức độ căng thẳng, giúp bạn già đi một cách khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
10. Bỏ hút thuốc và giảm rượu
Những người hút thuốc có nguy cơ tử vong sớm cao hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc cũng có thể gây lão hóa sớm; những người hút thuốc có nhiều khả năng gặp các vấn đề về tim ở độ tuổi sớm hơn những người không hút thuốc. Một số nghiên cứu còn phát hiện ra rằng hút thuốc lá có thể gây ra nếp nhăn và lão hóa sớm cho da. Cách tốt nhất để ngăn ngừa những tác động lâu dài của việc hút thuốc là bỏ thuốc ngay bây giờ.
Việc sử dụng rượu cũng có thể ảnh hưởng đến cách bạn già đi. Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải, đặc biệt là rượu vang, có thể cải thiện tuổi thọ, uống rượu quá độ có thể có tác dụng ngược lại. Nếu bạn thường xuyên uống quá nhiều, việc giảm hoặc kiêng rượu có thể giúp bạn sống lâu hơn.
11. Chăm sóc răng miệng
Khi bạn qua tuổi 30, răng cũng bắt đầu mòn dần, men răng yếu đi và mô nướu tụt xuống. Điều này có thể khiến bạn dễ mắc các vấn đề về răng miệng hơn.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có toàn bộ hoặc hầu hết răng tự nhiên khi về già có thể sống lâu hơn những người không có. Giữ răng khỏe mạnh khi bạn còn trẻ và tuân thủ thói quen chăm sóc răng miệng tốt khi về già là cách quan trọng để ngăn ngừa sâu răng và mất răng.
Đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày rất cần thiết, nhưng cũng nên thường xuyên đến gặp nha sĩ để được tư vấn về cách vệ sinh, chăm sóc sức khỏe răng miệng.
12. Duy trì tình bạn
Cảm thấy được kết nối và được người khác cần đến có thể thúc đẩy sức khỏe. Khi duy trì tình bạn, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ hoạt động tốt hơn, bạn có nhiều nguồn lực xã hội hơn nếu cần giúp đỡ và thậm chí ít mắc các bệnh mãn tính hơn khi già đi.
Ở tuổi 30, bạn có thể phải dành thời gian cho sự nghiệp, con cái và hôn nhân. Tuy nhiên, hãy cố gắng duy trì tình bạn đó và dành thời gian để nói chuyện điện thoại, tụ tập hoặc du lịch.
13. Biết rõ tiền sử sức khỏe
Không ai chăm sóc sức khỏe thay bạn. Bạn cần biết tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ và lưu ý về việc dùng thuốc. Hãy thiết lập hệ thống theo dõi thông tin của bạn ngay bây giờ.
Hệ thống này sẽ giúp bạn nhanh chóng hiểu được bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong tương lai, ngăn ngừa sai sót trong điều trị và chẩn đoán, đồng thời giúp quyết định các xét nghiệm phòng ngừa mà bạn có thể cần. Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu tiền sử bệnh gia đình và ghi lại tiền sử bệnh tật của bản thân.
14. Cân bằng giữa gia đình và công việc
Tuổi 30 là thời điểm sự nghiệp của bạn thực sự có thể cất cánh. Đây cũng là lúc bạn có thể có một mối quan hệ nghiêm túc, kết hôn hoặc sinh con. Việc cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc là rất quan trọng. Hãy dành thời gian để ngồi lại và suy ngẫm xem mọi thứ có cân bằng không, có cần phải thay đổi không? Làm như vậy có thể giảm đáng kể căng thẳng trong cuộc sống của bạn.
Hướng Dương (Theo Very Well Health)