Viêm da cơ địa - bệnh dễ trở nặng mùa lạnh

Ngày 14/12, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam, tiếp nhận bệnh nhi một tuổi bị tổn thương da đỏ, bong vảy lan rộng, khô nứt, một số vùng chảy dịch đóng vảy nề đỏ - dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát. Bé có dấu hiệu bất thường trên da khi mới một tháng tuổi. Ban đầu, vùng má có biểu hiện đỏ nhẹ, khô ráp, bong vảy. Chỉ trong vài tuần, tình trạng trở nặng, lan đến vùng sau tai và các nếp gấp trên cơ thể chảy dịch, đóng vảy, trẻ quấy khóc nhiều. Bé khám ở nhiều nơi, dùng thuốc bôi và tắm các loại lá cây, song cứ mỗi đợt thời tiết lạnh, hanh khô, da lại bong tróc nặng hơn, bị áp xe mí mắt hồi 6 tháng tuổi.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm da cơ địa. Nguyên nhân chính là cơ địa dị ứng, cùng với thời tiết hanh khô, cách chăm sóc chưa phù hợp, thói quen cào gãi không kiểm soát khiến bệnh trở nặng.

Viêm da cơ địa là một bệnh lý mạn tính thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dễ bị xem nhẹ hoặc nhầm lẫn với các tình trạng da liễu thông thường khác. Biểu hiện đặc trưng là các mảng da viêm đỏ, bong vảy, có thể có mụn nước, mụn nước vỡ làm rỉ dịch, ngứa dữ dội, thường xuất hiện ở da vùng nếp, vùng da non, da mặt (trẻ em). Trên thế giới, khoảng 20% trẻ dưới hai tuổi mắc bệnh này, nhiều trường hợp nặng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Đây là bệnh lý liên quan đến yếu tố miễn dịch và di truyền, thường chịu tác động lớn từ môi trường sống. Ở trẻ nhỏ, thời tiết lạnh, hanh khô là tác nhân chính khiến bệnh trở nên trầm trọng. Thêm vào đó, làn da của trẻ sơ sinh vốn mỏng manh và dễ tổn thương, cào gãi liên tục do ngứa làm da bé thêm tổn hại và mở đường cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng.

Viêm da cơ địa có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Người mắc bệnh dễ cáu gắt, thay đổi tâm trạng, giảm hiệu quả lao động, chất lượng sống. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Da liễu học Việt Nam năm 2022 trên 72 bệnh nhân cho thấy hơn 43% người bệnh viêm da cơ địa bị rối loạn lo âu, trầm cảm, stress, hơn 77% có triệu chứng cào gãi và hơn 83% trường hợp mất ngủ.

Điều trị viêm da cơ địa cần có sự phối hợp lâu dài giữa bác sĩ và gia đình. Điều trị đúng cách có thể giảm triệu chứng, giúp trẻ và gia đình vượt qua những áp lực tâm lý, cải thiện chất lượng sống.

Bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như da khô, bong vảy hoặc đỏ rát, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu sớm để được chẩn đoán chính xác. Không tự ý điều trị, sử dụng thuốc bôi không rõ nguồn gốc hay áp dụng các mẹo dân gian có thể khiến tình trạng trở nặng, gây biến chứng nguy hiểm.

Dưỡng ẩm là yếu tố then chốt để kiểm soát bệnh. Sử dụng các loại kem dưỡng phù hợp, tránh các tác nhân gây kích ứng và giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Không tắm bằng các loại lá cây, nước muối khiến làn da bị tổn thương.

Thúy Quỳnh