Viêm dạ dày cấp vì 'thanh lọc cơ thể' bằng nước cốt chanh

Cuối tháng 3, Nguyễn Thị Nhung, 33 tuổi, bắt đầu tìm hiểu phương pháp uống nước cốt chanh để "thải độc" vì trước đó chị phải tham gia nhiều cuộc ăn uống nhằm phục vụ công việc. Sau khi nghe vài người bạn thân cho biết đã cải thiện sức khỏe rõ rệt nhờ uống nước cốt chanh mỗi sáng, Nhung cũng tin tưởng và làm theo.

Ban đầu, vì sợ dạ dày không kịp thích nghi, chị pha loãng chanh với nước ấm, uống rả rích trong ngày để "làm quen". Sau khoảng 10 ngày, không thấy tác dụng phụ gì đặc biệt và tình trạng táo bón có phần thuyên giảm, Nhung bắt đầu uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi bụng đói.

Ngày đầu tiên áp dụng phương pháp thanh lọc bằng chanh liều cao, chị vắt một quả lấy nước cốt và uống trước khi ăn sáng. Tuy thấy cồn cào, xót ruột hơn ngày thường, Nhung cho rằng đó là phản ứng bình thường của hệ tiêu hóa khi hấp thụ lượng axit cao từ nước chanh. Cứ sau khoảng 3-4 ngày, chị lại tăng một quả và sau một tháng có thể uống nước cốt 6 quả chanh mỗi sáng. Trong suốt quá trình này, Nhung đều tham khảo những người trong nhóm uống chanh liều cao, được họ trấn an rằng những biểu hiện cồn cào, đau bụng âm ỉ sẽ hết, nên chị tự động viên mình rồi sẽ ổn.

Nhưng khoảng 40 ngày sau, khi đi công tác ở Hải Phòng, Nhung cứ ăn bất cứ thứ gì vào đều bị đau quặn bụng. Vì không chịu nổi, khi về Hà Nội, chị đến thẳng bệnh viện và được bác sĩ kết luận bị viêm ruột, viêm dạ dày cấp.

Rước họa vì uống nước cốt chanh để thanh lọc cơ thể

Nhung được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: NVCC

"Cuối năm ngoái, khi khám sức khỏe công ty, các chỉ số của tôi đều rất tốt, không có vấn đề gì. Tôi cũng ăn uống lành mạnh, duy trì chế độ sinh hoạt như trước. Sự thay đổi duy nhất là tôi đã uống nước cốt chanh mỗi sáng khi bụng đói trong hơn một tháng qua", 9X cho biết.

Sau lần hú vía, Nhung muốn nhắn nhủ mọi người cần cân nhắc kỹ, lắng nghe cơ thể, đồng thời tham khảo ý kiến các bác sĩ, chuyên gia y tế trước khi áp dụng "trào lưu uống nước cốt chanh" để thải độc.

Rước họa vì uống nước cốt chanh để thanh lọc cơ thể - 1

Nước cốt chanh đang được nhiều người xem như "thần dược".

Thời gian qua, những phương pháp thải độc như uống nước chanh, nước kiềm được tìm kiếm nhiều hơn trên mạng xã hội. Nhiều video, thu hút hàng triệu lượt xem, khẳng định cách này không có tác dụng phụ, giúp thanh lọc thải độc, tái tạo năng lượng. Trong đó, hướng dẫn uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi bụng còn trống rỗng nhằm thải độc được nhiều người làm theo vì giá rẻ, có thể thực hiện tại nhà.

Quả chanh rất giàu vitamin C, có tính mát, hỗ trợ thanh nhiệt, chữa ho. Uống nước chanh ấm pha loãng hay chanh ngâm mật ong giúp tăng cường miễn dịch, tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn tại Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Thuốc Dân Tộc, cho biết việc lạm dụng nước chanh như một "thần dược" thải độc là điều cực kỳ sai lầm.

Theo bác sĩ Tuấn, uống nước chanh hay cốt chanh, đặc biệt khi bụng đói, có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, gây đau rát, viêm loét dạ, nhất là với người có tiền sử đau dạ dày, trào ngược axit. Ngoài ra, hàm lượng axit citric cao trong chanh dễ bào mòn men răng, gây ê buốt, sâu răng nếu dùng lâu dài mà không súc miệng hoặc pha loãng đúng cách.

Bác sĩ cho hay trong Đông y, chanh có vị chua, tính hàn. Nếu dùng quá nhiều, cơ thể dễ bị lạnh, làm hại tỳ vị, dẫn đến các triệu chứng như lạnh bụng, đi ngoài lỏng, mệt mỏi, chân tay lạnh... Hơn nữa, chức năng thải độc của cơ thể do gan, thận đảm nhiệm. Giải độc là cả một quá trình bao gồm ăn uống, vận động, nghỉ ngơi và điều dưỡng hợp lý.

Trên thế giới, các nghiên cứu từ Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ chỉ ra cơ thể con người đã được trang bị hệ thống thải độc tự nhiên hiệu quả thông qua gan và thận. Các cơ quan này làm việc liên tục để lọc máu, chuyển hóa và đào thải chất độc. Một công trình năm 2022 trên 1.500 người tham gia cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về mức độ độc tố trong cơ thể giữa nhóm áp dụng các phương pháp "thải độc" và nhóm không áp dụng.

Hướng Dương