Khoác áo blouse giả bác sĩ lừa đảo bán thực phẩm chức năng

"Tôi nghe tư vấn nhiều từ chuyên môn không hiểu lắm nhưng video có bác sĩ mặc áo trắng, có logo đài truyền hình còn ghi tên bệnh viện kèm bệnh nhân đã khỏi bệnh chia sẻ nữa thì chắc đúng rồi", ông Hiền, 65 tuổi, cho biết hôm 19/11. Sống chung với bệnh gout hơn ba năm nay, ông Hiền cảm thấy "rất phiền toái" khi phải ăn uống kiêng khem và dùng thuốc kiểm soát acid uric hàng ngày theo toa bác sĩ. Gout là bệnh mạn tính phải uống thuốc lâu dài, "nghĩ tới là hãi" nên ông muốn tìm cách "chữa đơn giản, nhanh chóng cho xong".

Được "bác sĩ qua mạng" này thuyết phục, ông Hiền mua hai hộp giá 5 triệu đồng theo quảng cáo "thuốc chữa khỏi bệnh gout không cần kiêng cữ". Uống hết hai hộp cảm giác bớt đau, ăn uống ngon miệng, ông tin tưởng mua thêm. Không ngờ, uống nhiều hơn, các cơn viêm khớp xuất hiện liên tục, cục tophi nổi ở chân phải vào bệnh viện tiểu phẫu. Ông được bác sĩ bệnh viện cho biết "thuốc" mình uống thực chất là thực phẩm chức năng có chứa thành phần corticoid giúp giảm đau nhanh nhưng lâu ngày gây nhiều tác dụng phụ bất lợi.

"Lúc này tôi mới biết bác sĩ quảng cáo trên mạng là giả mạo", ông Hiền nói, thêm rằng từ giờ sẽ nghiêm túc uống thuốc theo đơn của bác sĩ bệnh viện, thay đổi cách ăn uống kèm sinh hoạt để khỏi diễn tiến nặng.

Ông Hiền là một trong nhiều nạn nhân của những kẻ giả mạo bác sĩ để quảng cáo và bán thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện Bộ Y tế ghi nhận tình trạng "bác sĩ giả" tràn lan trên mạng nhưng chưa có thống kê nào cụ thể. Nhiều bác sĩ và bệnh viện uy tín bị kẻ xấu giả mạo tên tuổi và hình ảnh trên các trang mạng để lừa đảo bán mặt hàng này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh là một chuyên gia dịch tễ học, bác sĩ nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm và nhi khoa, từng là Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM. Gần 10 năm nay, bác sĩ Khanh nghỉ làm phòng mạch để dành thời gian tư vấn sức khỏe online miễn phí trên trang cá nhân, được nhiều người tương tác.

Thời gian qua ông bị nhiều trang mạng xã hội cắt ghép hình ảnh để quảng cáo thuốc tăng chiều cao, thuốc chữa đau lưng và xương khớp, "thuốc đánh bại bệnh tiểu đường khiến cả nước đều sốc". Có trang còn nâng học hàm của bác sĩ Khanh thành giáo sư, tiến sĩ. Hồi tháng 8, có trang đăng bài "phỏng vấn độc quyền" của "bác sĩ trưởng khoa ký sinh trùng TS Trương Hữu Khanh", "giáo sư chuyên ngành ký sinh trùng tại Viện Ký sinh trùng Trung ương Hà Nội" quảng cáo về thuốc giúp cơ thể loại bỏ sạch ký sinh trùng.

"Tôi không tham gia quảng cáo bất kỳ thuốc, thực phẩm chức năng nào như các trang mạng xã hội đăng tải", bác sĩ Khanh khẳng định, nhấn mạnh ông là bác sĩ chuyên bệnh truyền nhiễm chứ không điều trị bệnh cơ xương khớp, đái tháo đường, nhiễm ký sinh trùng...

"Nhiều người chụp ảnh màn hình, nhắn tin hỏi có nên mua thuốc do tôi quảng cáo không, tôi mới biết hình ảnh của mình bị cắt ghép, mạo danh khắp nơi như vậy", bác sĩ Khanh nói thêm.

Một số hình ảnh của bác sĩ Trương Hữu Khanh bị sử dụng, cắt ghép quảng cáo thực phẩm chức năng.Ảnh chụp màn hình

Một số hình ảnh của bác sĩ Trương Hữu Khanh bị sử dụng, cắt ghép quảng cáo thực phẩm chức năng. Ảnh chụp màn hình

Tương tự, GS.TS. Trần Bình Giang, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, cho biết khi đương chức, ông ngỡ ngàng khi thấy hình ảnh của mình bị ghép vào nội dung quảng cáo sản phẩm chữa huyết áp đăng trên mạng xã hội. Trong nội dung này, bác sĩ Giang được giới thiệu là "Trưởng khoa tim mạch mách cách chữa bệnh tăng huyết áp".

"Là một thầy thuốc thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôi không bao giờ tham gia quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế nào và của bất cứ hãng nào", ông Giang nói, khuyên mọi người tuyệt đối không tin, mua, sử dụng các sản phẩm này bởi nguy cơ nguy hiểm tính mạng.

Đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cảnh báo xuất hiện nhiều trang cá nhân mạo danh, sử dụng tên bệnh viện, lấy hình ảnh và tên TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc bệnh viện, để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh.

Tội phạm đội lốt bác sĩ

Cuối năm ngoái, Công an huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh khởi tố Phạm Viết Trung 28 tuổi cùng 25 đồng phạm vì giả danh bác sĩ, thiếu tướng của các bệnh viện quân đội uy tín để bán thuốc cho 8.000 người, chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng. Các loại thuốc điều trị tiểu đường, huyết áp... đều do nhóm tự nghĩ ra sau đó thuê đơn vị sản xuất với giá 25.000 đồng và bán ra với giá 2 triệu đồng hoặc thấp nhất là 700.000 đồng một sản phẩm.

Theo kịch bản, nhóm này giả danh bác sĩ của các bệnh viện lớn như Quân y 103, Quân đội 108 để chào bán sản phẩm cho người bệnh. Mỗi nhóm có hai người, trong đó một người có nhiệm vụ lập các fanpage trên mạng xã hội để chạy quảng cáo tìm người bệnh, người còn lại giả danh bác sĩ tư vấn bán thuốc. Khi khách hàng có nhu cầu, nhóm này đề nghị để lại số điện thoại để gọi điện tư vấn. Bán được thuốc, nhóm Trung tiếp tục dụ dỗ người bệnh mua các sản phẩm khác bằng giá cao hơn, với quảng cáo "thuốc cực tốt".

Cùng thời điểm nhóm ở Bắc Ninh bị khởi tố, Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, tạm giữ vợ chồng Đặng Văn Thắng, 29 tuổi cùng đồng phạm về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa bán thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cho 20.000 người, chiếm đoạt 75 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ yếu được đặt ở xưởng gia công thuốc nam, sau đó thuê in nhãn mác, có giá khoảng 30.000-40.000 đồng nhưng rao bán 1-3 triệu đồng. Nhóm hoạt động theo mô hình đa cấp, giả mạo các bác sĩ nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm.

Các hộp thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chưa được chứng minh, công nhận về công dụng, bị thu giữ. Ảnh:Công an cung cấp

Các hộp thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chưa được chứng minh, công nhận về công dụng, bị thu giữ. Ảnh: Công an cung cấp

Khuyến cáo cảnh giác

Tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, hàng giả, nhái kém chất lượng, hàng xách tay được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tại phiên họp chiều 11/11. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lan cho biết đã yêu cầu cán bộ y tế tuyệt đối không tham gia vào quảng cáo thực phẩm chức năng để đảm bảo uy tín của ngành; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát hoạt động bán hàng online.

Vài ngày trước, Sở Công thương TP HCM yêu cầu các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử không quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh hoặc thổi phồng công dụng sản phẩm. Nội dung quảng cáo phải chính xác, đúng với công dụng và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp chủ động rà soát, ngăn các hành vi lợi dụng quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, đặc biệt là qua các cá nhân có ảnh hưởng để quảng bá sai lệch.

Luật An toàn thực phẩm quy định Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. "Bác sĩ, lương y, nhân viên y tế tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định", đại diện Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, nói.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người dân lưu ý chọn đúng khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe. Trong trường hợp có bệnh, cần tới cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Người dân cũng được khuyến cáo cảnh giác với các video "bác sĩ, lương y, bệnh nhân" tư vấn sản phẩm chữa bệnh, bởi nhân viên y tế không được phép quảng cáo mặt hàng này. Làm theo nội dung quảng cáo sai sự thật, người bệnh không đến bệnh viện khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi, tổn thất về kinh tế và tổn hại tới sức khỏe.

Bộ Y tế hướng dẫn người dân khi mua thực phẩm chức năng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Trên nhãn thực phẩm chức năng luôn ghi dòng chữ Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Sản phẩm ghi thông tin rõ ràng, đầy đủ về nhà sản xuất.

Người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Lê Phương - Lê Nga