Ngôi làng được thành lập vào năm 1990 bởi một nhóm gồm 15 phụ nữ là những người sống sót sau khi bị cưỡng hiếp bởi những người lính Anh địa phương. Dân số Umoja hiện đã mở rộng để thu nhận bất kỳ phụ nữ nào thoát khỏi những tập tục văn hóa đáng sợ ở Samburu như hôn nhân trẻ em, FGM (cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ), bạo lực gia đình và hãm hiếp.
Rebecca Lolosoli là người sáng lập ra Umoja. Khi phải nhập viện vì bị một nhóm đàn ông đánh đập, bà đã nghĩ ra ý tưởng lập nên một cộng đồng chỉ toàn phụ nữ. Bà bị đánh trọng thương do dám nói với những người phụ nữ trong làng về quyền bình đẳng.
Người Samburu có mối quan hệ rất gần với bộ tộc Maasai. Họ cùng nói chung một ngôn ngữ và thường sống thành từng nhóm từ 5 đến 10 gia đình, là những người bán di cư. Văn hóa của họ mang nặng tính gia trưởng. Tại các cuộc họp làng, những người đàn ông ngồi theo một vòng tròn để thảo luận những vấn đề quan trọng của làng, còn những người phụ nữ phải ngồi bên ngoài, rất hiếm khi được bày tỏ ý kiến của mình. Tất cả các thành viên đầu tiên của làng Umoja đều đến từ các ngôi làng ở Samburu.
Hiện tại có 47 phụ nữ và 200 trẻ em ở Umoja. Mặc dù người dân sống vô cùng đạm bạc, những phụ nữ dám nghĩ, dám làm vẫn đủ khả năng cung cấp thực phẩm, quần áo và chỗ ở cho tất cả mọi người. Những người đứng đầu làng Umoja lập nên một khu nhà trọ, cách đó khoảng 1km bên kia sông, dành cho các nhóm khách du lịch đi săn nghỉ chân. Rất nhiều trong số đó và cả những người trên đường tới thăm khu bảo tồn thiên nhiên gần đó cũng ghé vào Umoja. Những người phụ nữ ở đây tính phí vào cửa rất rẻ và hy vọng rằng, khi tới thăm ngôi làng này, các vị khách sẽ mua những sản phẩm trang sức do chính tay họ làm ra.
Nhiều người phụ nữ nói rằng họ không thể tưởng tượng được sống với một người đàn ông nữa sau khi họ sống ở Umoja. “Tôi không muốn rời bỏ cộng đồng hỗ trợ phụ nữ này” - Mary, 34 tuổi, một cư dân ở đây chia sẻ. Cô đã bị bán cho một người đàn ông 80 tuổi để đổi lấy một đàn bò khi mới 16 tuổi. Cô cho biết Umoja đã cho cô mọi thứ mình cần.