Sáng 7/1, Bộ Y tế khuyến cáo như trên khi tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (AQI) ở mức xấu và rất xấu.
Ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu, thời tiết, song dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tình trạng này tăng dần, ảnh hưởng sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, chúng có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động hệ thần kinh, hệ miễn dịch, sức khỏe tâm thần.
Để bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế khuyến cáo khi AQI ở mức "kém": Hạn chế hoạt động ngoài trời, đặc biệt với nhóm nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.
Khi AQI ở mức "rất xấu" (201-300): Tránh hoàn toàn các hoạt động ngoài trời, ưu tiên thực hiện trong nhà. Nếu phải ra ngoài, sử dụng khẩu trang ngăn bụi mịn, hạn chế thời gian ở khu vực ô nhiễm, ưu tiên phương tiện giao thông công cộng.
Đóng cửa sổ, cửa ra vào khi không khí ô nhiễm nặng. Vệ sinh mũi, súc họng, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý sau khi ra ngoài. Theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng như khó thở, ho, sốt, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị. Các biện pháp này giúp giảm tác động của ô nhiễm không khí, đặc biệt với nhóm dễ bị tổn thương.
Không khí ở Hà Nội chuyển biến xấu từ tháng 10/2024 khi thời tiết giao mùa và bước vào chính đông. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như TP Hà Nội đang triển khai các biện pháp để giảm thiểu nguồn phát thải. Với nguồn phát thải lớn nhất từ giao thông, Hà Nội đang xây dựng kế hoạch vùng phát thải thấp. Với xây dựng, bụi đường, thành phố tổ chức phun rửa thường xuyên hơn.
Lê Nga