THIÊN NHIÊN HOANG DÃ ABERDARE
Vườn Quốc gia Aberdare nổi tiếng với nhiều thác nước hùng vĩ, cánh rừng nguyên sinh và hệ động thực vật vô cùng phong phú. Nét độc đáo khi viếng thăm nơi đây là bạn sẽ được bố trí ở tại những nhà nghỉ được xây dựng trên những cây Dẽ có tuổi thọ hàng trăm năm. Vị trí nhà nghỉ được xây dựng ngay con đường mòn mà các loài thú hoang dã phải lần theo để đến được đầm nước duy nhất có trong rừng. Khi những giọt sương sớm còn đọng trên lá hoặc khi hoàng hôn chìm dần trong tĩnh lặng, đó cũng là phút giây đặc biệt mà bạn sẽ bắt gặp các loài: voi, sơn dương, trâu trừng,… từng đàn lũ lượt kéo về đây uống nước và nghỉ ngơi.
ĐỘNG VẬT QUÝ HIẾM Ở MAASAI MARA
Khu bảo tồn Maasai Mara có diện tích rộng 1.500km2 là ngôi nhà chung của 95 loài động vật có vú, động vật lưỡng cư, bò sát và hơn 400 loài chim cư trú. Trong đó, tập trung đông nhất là 5 loài mãnh thú lớn: trâu rừng, voi, báo, sư tử và tê giác. Đến đây, hãy tham gia hành trình Game Drive trên chiếc xe chuyên dùng có thiết kế đặc biệt. Các tay lái điêu luyện sẽ đưa bạn đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong khu bảo tồn để hiểu hơn về nét sinh hoạt, săn mồi của các loài thú rừng. Đặc biệt, cảnh sư tử rượt đuổi con mồi hay báo đốm lao vút qua đồng cỏ, sẽ mang đến cho bạn những giây phút hồi hộp đến “nghẹt thở” xen lẫn niềm thích thú.
NGẮM "HOA HỒNG" TRÊN HỒ NAIVASHA
Đến Kenya - Thế giới thu nhỏ của Châu Phi mà bạn không thăm hồ nước ngọt Naivasha với diện tích khoảng 100km2 thì sẽ là một thiếu sót lớn. Khi mùa xuân chạm ngõ vùng Nam bán cầu, từng đàn hồng hạc tề tụ về trên mặt hồ phẳng lặng, khiến Naivasha bỗng chốc sáng bừng những gam màu trắng, hồng, hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Phóng tầm nhìn sang bên bờ hồ, bạn sẽ thấy cả một vườn hoa hồng đỏ thắm rực rỡ, tỏa hương thơm ngát trong cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Đặc biệt, bạn còn được lên thuyền dạo quanh hồ, tham gia chương trình truy tìm hà mã, xem đại bàng săn bắt cá,… là những kỷ niệm khó quên.
“THIÊN ĐƯỜNG HỒNG HẠC” NAKURU
Theo các nhà nghiên cứu, Công viên Quốc gia hồ hồ Nakuru là nơi tập trung khoảng hơn hai triệu chim hồng hạc, gồm hồng hạc lớn chân dài, cổ dài và hồng hạc nhỏ. Bởi vậy, Nakuru còn có tên gọi khác là “hồ Hồng Hạc”. Ngoài hồng hạc, đây còn là nơi tập trung hơn 450 loài chim quý hiếm nhất thế giới có trong sách đỏ cần bảo tồn với nhiều cấp độ khác nhau. Chính điều kiện sinh thái phong phú, nhiều hồ nước, đồng cỏ và nguồn thức ăn phong phú đã làm cho Nakura ngày càng trở nên sôi động hơn bởi nhiều thanh âm khác nhau từ tiếng gọi bầy cho đến khoảng khắc đàn chim bay về tổ trên bầu trời hoàng hôn đỏ rực.
Nguồn: Sưu tầm