Trả lời:
Xơ gan là giai đoạn cuối của các bệnh gan mạn tính. Đây là giai đoạn trễ của tiến trình xơ hóa gan, tức quá trình thay thế dần các mô gan thành mô sợi. Quá trình xơ hóa gan được chia làm 4 mức độ từ F1 đến F4. Giai đoạn F1-F3 là giai đoạn xơ hóa, người bệnh ở giai đoạn này được điều trị tích cực có thể phục hồi về F1-F2. Nếu chuyển qua F4 là xơ gan.
Xơ gan được phân loại thành hai loại là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Xơ gan còn bù là tình trạng xơ gan nhưng chưa xuất hiện các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, hôn mê gan, báng bụng, vàng da. Nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu trên gọi là xơ gan mất bù.
Bệnh nhân xơ gan còn bù đa phần không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Biểu hiện thường gặp như chán ăn, sụt cân, yếu cơ, mệt mỏi, chuột rút, dễ bầm tím, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là do viêm gan virus, gan nhiễm mỡ... Những nguyên nhân ít gặp hơn như bệnh gan do ứ sắt, ứ đồng, viêm gan tự miễn, xơ hóa đường mật nguyên phát.
Bệnh không được phát hiện sớm và tích cực điều trị có thể tiến triển thành xơ gan mất bù, gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe như cổ trướng, vàng da, xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày hoặc bệnh não gan.
Dựa vào kết quả xét nghiệm, kiểm tra, bác sĩ có thể biết được mức độ tiến triển của bệnh xơ gan qua các giai đoạn và có hướng điều trị thích hợp. Bệnh xơ gan còn bù không thể điều trị khỏi, mục tiêu điều trị là kiểm soát triệu chứng, ngăn chuyển sang mất bù, từ đó giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Trường hợp của ba bạn đang ở giai đoạn xơ gan còn bù nên cần điều trị tích cực theo phác đồ điều trị của bác sĩ, phòng xơ gan diễn tiến nặng, theo dõi biến chứng ung thư gan...
Điều trị xơ gan còn bù chủ yếu là nội khoa bao gồm điều trị nguyên nhân nếu viêm gan virus B, C, D, loại bỏ tác nhân gây hại gan (rượu, thuốc, các chất độc hại...), kiểm soát tốt các bệnh lý gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Người bệnh được xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh, đủ dưỡng chất, hạn chế muối.
Để chẩn đoán bệnh xơ gan, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm xét nghiệm sinh hóa hoặc huyết học, siêu âm đánh giá mức độ xơ hóa gan (siêu âm đàn hồi gan, siêu âm đánh giá độ cứng của gan), chụp cắt lớp vi tính (CT)... Khi có dấu hiệu nghi ngờ về bệnh gan, người bệnh nên đến các cơ sở có chuyên môn sâu về gan để được khám chính xác.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Oanh
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |