Xương cá cắm vào amidan người đàn ông

Anh Phúc đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 sau 30 phút xuất hiện triệu chứng. Ngày 23/11, BS.CKI Nguyễn Tri Minh Trí, Đơn vị Tai Mũi Họng, cho biết người bệnh bị viêm amidan quá phát nên amidan to hơn bình thường, dễ hóc xương cá.

Bác sĩ nội soi dùng kẹp gắp mảnh xương dài khoảng 3 cm ra khỏi amidan. Anh Phúc hết nuốt đau, vướng họng, sau đó được điều trị nội khoa viêm amidan quá phát.

Theo bác sĩ Trí, anh Phúc đến phòng khám sớm, được xử lý xương cá kịp thời nên amidan và họng chưa viêm nhiễm đáng kể, chưa biến chứng. Nếu xử trí muộn, xương cá có thể gây viêm mủ, loét tại vị trí tổn thương hoặc gây áp xe vùng cổ. Dị vật rơi xuống dạ dày, xuống ruột, có thể đâm thủng ruột dẫn đến viêm, áp xe gan, phúc mạc ổ bụng.

Khi xương cá cắm vào amidan, thành bên hoặc sau họng, đáy lưỡi..., bác sĩ có thể lấy ra dễ dàng qua nội soi. Trường hợp xương cá nằm sâu ở vùng hạ họng, xoang lê, miệng thực quản hoặc vào thực quản, bác sĩ cần phải lấy dị vật qua nội soi tiêu hóa, có thể gây mê hoặc không.

Hóc dị vật đường ăn phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, chủ yếu là xương cá, xương gà, răng giả, các loại hạt kích thước nhỏ như hạt nhãn, hạt vải, hạt mãng cầu. Ở trẻ, dị vật có thể là đồ chơi kích thước nhỏ như lego, đồng xu, hạt nam châm, cúc áo...

Bác sĩ Trí cho hay nguyên nhân hóc dị vật chủ yếu do ăn uống thiếu cẩn thận, vừa ăn vừa nói chuyện, đùa giỡn hoặc uống rượu bia. Người già có răng giả tháo lắp không chắc, khi nhai nuốt răng giả cùng mắc cài dễ rơi xuống đường tiêu hóa. Phòng ngừa hóc dị vật bằng cách ăn chậm nhai kỹ, cẩn thận với các món có xương. Tránh cho trẻ tự chơi một mình hoặc chơi đồ chơi kích thước nhỏ.

Nếu không may bị hóc dị vật đường ăn, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra và có hướng xử trí phù hợp. Tuyệt đối không dùng các mẹo dân gian như đánh vào đỉnh đầu, nuốt miếng cơm lớn, ăn chuối hay bánh mì vì dễ làm dị vật mắc sâu hoặc tổn thương nhiều hơn.

Uyên Trinh

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp