Nguyên nhân gây đốm đỏ ở họng

Đốm đỏ ở cổ họng có thể do nhiệt và tự biến mất, song trường hợp kéo dài nhiều ngày, nên đi khám để xác định nguyên nhân, điều trị sớm. Các đốm đỏ này thường đi kèm với triệu chứng như viêm gây sưng vùng cổ, sưng hạch bạch huyết, đốm đỏ trên vòm miệng, đau đầu, sốt. Các đốm đỏ ở phía sau cổ họng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn.

Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Triệu chứng thường gặp là ngứa và đau họng. Khi khám, bác sĩ có thể nhận thấy các đốm đỏ ở phía sau vòm miệng. Triệu chứng khác của viêm họng liên cầu khuẩn gồm mảng trắng, sưng amidan, khó nuốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau nhức cơ thể.

Herpangina là bệnh nhiễm trùng do virus có thể gây ra các vết loét giống như mụn nước ở vòm miệng và phía sau cổ họng. Bệnh này thường ảnh hưởng đến trẻ em. Ngoài đốm đỏ ở họng, người bệnh có thể sốt đột ngột, đau đầu, đau họng, sưng hạch bạch huyết, đau cổ.

Bệnh tay chân miệng xảy ra do virus, có thể gây phát ban ở tay, chân và miệng. Tương tự herpangina, bệnh nhiễm trùng này cũng có thể gây ra các đốm đỏ và mụn nước ở cổ họng. Tay chân miệng lây lan nhanh qua tiếp xúc với tay chưa rửa, phân, chất nhầy mũi và nước bọt của người bệnh. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhất. Triệu chứng gồm sổ mũi, đau họng, sưng tấy, sốt, mệt mỏi, mụn nước phồng rộp, chán ăn, đau nhức cơ thể.

Ung thư miệng với dấu hiệu cảnh báo sớm như các vết loét đỏ, mảng đỏ hoặc trắng trong miệng hoặc cổ họng. Đốm đỏ khiến người bệnh đau và không tự biến mất. Tuổi tác, thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều thịt chế biến sẵn, thực phẩm chứa đường, hút thuốc và uống rượu, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng. Triệu chứng khác gồm vết loét không lành, khó nuốt, giảm cân, cục u ở cổ, răng lung lay, tê ở miệng.

Điều trị đốm đỏ ở miệng phụ thuộc vào nguyên nhân. Trước khi đưa ra chỉ định, bác sĩ có thể xét nghiệm hình ảnh để xác định nguyên nhân. Nếu nguyên nhân nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau. Trường hợp do bệnh mạn tính, nghi ngờ ung thư, người bệnh được sinh thiết để chẩn đoán chính xác. Điều trị ung thư miệng có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị...

Anh Chi (Theo Healthline)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp