Phòng các bệnh truyền nhiễm mùa lạnh

Theo bác sĩ Bùi Công Sự, Quản lý Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, khi thời tiết lạnh, hệ miễn dịch có xu hướng phản ứng kém hơn với các tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, vi khuẩn, virus vẫn hoạt động mạnh, nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm, chuyển biến nặng. Một số bệnh hô hấp, tiêu hóa phổ biến dưới đây người dân cần chủ động phòng ngừa trong mùa đông xuân sắp tới.

Thủy đậu

Thủy đậu lây qua đường hô hấp hoặc khi tiếp xúc với dịch tiết các nốt phát ban của người bệnh. Bệnh có thể lây từ 1-2 ngày trước khi có triệu chứng và khoảng 5 ngày sau khi phát ban.

Thủy đậu thường lành tính song có thể biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng da và máu khi không được chăm sóc, theo dõi, điều trị kịp thời. Sau khi khỏi bệnh, virus không mất đi mà trú lại trong hạch thần kinh, tái hoạt động gây bệnh zona thần kinh.

Bệnh thủy đậu có thể thành dịch, hiện có vaccine phòng bệnh, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Phác đồ tiêm gồm hai mũi, cách nhau 1-3 tháng tùy theo độ tuổi. Trẻ nhỏ, người lớn chưa rõ lịch sử tiêm ngừa đều cần tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine thủy đậu có hiệu quả lên đến 97% khi tiêm đủ hai liều.

Sởi

Sởi lây qua đường hô hấp và là một trong các bệnh truyền nhiễm có hệ số lây nhiễm cao hàng đầu. Một người bệnh có thể lây cho 12-18 người chưa có miễn dịch.

Sởi gây bệnh ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó, sởi ở trẻ em dễ dẫn đến các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm ruột, nhiễm trùng máu, viêm loét giác mạc, viêm não... Phụ nữ mang thai mắc sởi làm tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, thai lưu.

Từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc sởi trên cả nước, 13 ca tử vong. Sau khi TP HCM công bố dịch sởi, bệnh tiếp tục lan rộng ra các tỉnh thành phía Nam. Theo BS Sự, vaccine được xem là biện pháp chủ động, an toàn, hiệu quả và cần thực hiện sớm.

Vaccine sởi tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn. Mỗi người chưa có kháng thể với bệnh cần tiêm đủ từ 2 mũi. Hiệu quả bảo vệ của vaccine lên đến 98% khi tiêm từ 2 mũi.

Trường hợp trẻ nhỏ tiêm vaccine thủy đậu tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần

Trường hợp trẻ nhỏ tiêm vaccine thủy đậu tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần

Cúm

Virus cúm lây truyền qua đường hô hấp và giọt bắn của người bệnh, đặc biệt dễ lây vào mùa lạnh. Ai cũng có thể mắc cúm. Thống kê của Cục Y tế dự phòng, năm nay nước ta ghi nhận gần 290.000 ca mắc, ca tử vong tăng so với năm trước với 8 ca.

Cúm có khả năng gây bệnh nặng ở người có hệ miễn dịch kém, suy yếu như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền. Nếu không được điều trị kịp thời, cúm có thể dẫn đến các biến chứng hô hấp và não như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm đường tiết niệu, viêm não...

Vaccine cúm tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, tiêm nhắc mỗi năm sau lịch tiêm cơ bản. Phụ mang thai cần chú ý tiêm cúm, tốt nhất vào 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ, giúp bảo vệ bản thân và bé trong những tháng đầu chào đời.

Rotavirus

Đây là một trong những tác nhân chính gây tiêu chảy nặng ở trẻ dưới hai tuổi và là tác nhân gây bệnh phổ biến thứ hai sau nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh lây qua đường tiêu hóa khi ăn, uống phải thực phẩm, nước nhiễm bẩn.

Bệnh do Rotavirus dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mất nước, mất muối dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không kịp thời bù nước. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số trẻ em tử vong do rotavirus chiếm từ 4-8% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì mọi nguyên nhân.

Tiêu chảy do rotavirus có thể phòng ngừa nhờ vaccine, dùng đường uống cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 8 tháng tuổi. Qua độ tuổi này, trẻ không còn cơ hội uống vaccine này.

Tay chân miệng

Tay chân miệng xuất hiện quanh năm, trong đó có hai đợt cao điểm vào tháng 3-4 và từ tháng 9 đến cuối năm. Bệnh lây qua đường tiêu hóa phân - miệng, hô hấp và thường gặp ở trẻ nhỏ. Trong môi trường tập thể, sinh hoạt chung, trẻ dễ lây bệnh cho nhau khi ăn uống chung, tiếp xúc, cầm nắm các đồ vật bám dịch tiết của người bệnh.

Bệnh có biểu hiện là bóng nước nổi ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối, miệng, có thể đi kèm loét miệng. Trong trường hợp nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu không theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Bệnh hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Trẻ em và người lớn cần phòng tránh bằng các biện pháp phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa như ăn chín, uống chín, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác, khi đến nơi đông người cần mang khẩu trang, giữ khoảng cách.

Nhật Linh