
Nhiều phụ nữ lo lắng vì chậm kinh, dù biết cơ thể không mang thai. Ảnh minh họa: UCLA
Một phụ nữ thông thường có 500 kỳ kinh nguyệt trong đời. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, nhưng cũng có thể dao động từ 21 đến 45 ngày. Tuy mỗi người có cơ địa khác nhau, kinh nguyệt vẫn sẽ diễn ra theo chu kỳ. Do đó, nếu chu kỳ của bạn bỗng bất thường nhưng không mang thai, thì có thể do các nguyên nhân phổ biến như tuổi tác, căng thẳng, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), cân nặng, biện pháp tránh thai, các vấn đề về tuyến giáp và bệnh mạn tính.
1. Tuổi tác
Trong vài năm đầu sau kỳ kinh đầu tiên hoặc khi đến gần tuổi mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều được coi là bình thường. Các thiếu nữ thường có kinh nguyệt không ổn định trong vòng 6 năm đầu tiên. Trong 35 năm tiếp theo, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định và sẽ chỉ bị gián đoạn khi mang thai. Từ 45 đến 55 tuổi, cơ thể phụ nữ bắt đầu chuyển sang thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, điều này có thể gây ra hiện tượng mất kinh hoặc chậm kinh.
Tiền mãn kinh
Thời gian chuyển tiếp trước khi mãn kinh này gồm hai giai đoạn, giai đoạn đầu có thể gây ra kinh nguyệt không đều, giai đoạn sau có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt cách nhau 60 ngày.
Mãn kinh sớm
Độ tuổi mãn kinh trung bình là 52. Nhưng khoảng 5% nữ giới bị mãn kinh sớm, từ 40 đến 45 tuổi. Nếu mãn kinh xảy ra trước 40 tuổi và không phải do suy buồng chứng nguyên phát thì đó được gọi là mãn kinh sớm.
Mãn kinh
Nếu bạn đã trải qua cả năm mà không có kinh nguyệt, trên 50 tuổi và không bị vô kinh, bạn có thể đã đến tuổi mãn kinh mà không nhận ra.
2. Suy buồng trứng nguyên phát (POI)
Tình trạng này, còn được gọi là suy buồng trứng sớm, khiến giảm nồng độ estrogen và buồng trứng ngừng hoạt động trước 40 tuổi. Những người bị POI - khoảng 1% nữ giới dưới 40 tuổi - có kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh.
3. Căng thẳng
Căng thẳng ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách. Nó có thể thay đổi giấc ngủ, chế độ ăn uống và cách bạn hoạt động. Căng thẳng cũng có thể làm chậm kinh nguyệt. Nghiên cứu cho thấy việc tự cảm thấy mình bị căng thẳng có ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt ở những người từ 20 đến 40 tuổi. Nếu bạn luôn bị căng thẳng (căng thẳng mạn tính), kinh nguyệt có thể ngừng hoàn toàn. Một cơ thể bị căng thẳng tạo ra nhiều hormone cortisol, có thể ảnh hưởng đến phần não điều chỉnh kinh nguyệt (hypothalamus - vùng dưới đồi). Khi kỳ kinh dừng lại do vùng dưới đồi không hoạt động bình thường, thì đó được gọi là vô kinh vùng dưới đồi.
4. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Khi những người sinh ra là nữ nhưng có nồng độ hormone nam cao (androgen), họ có thể được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Do sự mất cân bằng nội tiết tố, các nang (túi dịch bất thường) thường hình thành trên buồng trứng và khiến quá trình rụng trứng dừng lại. Nếu kinh nguyệt của bạn bị mất hoặc không đều là do PCOS, bạn có thể sẽ có thêm các triệu chứng như: mụn trứng cá trên mặt, ngực và lưng, da sạm màu, đặc biệt là ở các nếp gấp da, lông mọc quá rậm trên mặt, cằm hoặc ngực, các nốt chai sần (bấm vào không đau) trên cơ thể, tăng cân hoặc khó giảm cân.
5. Cân nặng
Thừa cân hoặc thiếu cân đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ hàng tháng. Nhẹ cân hoặc rối loạn ăn uống có thể tạm dừng quá trình rụng trứng hoặc làm cho kinh nguyệt không đều. Nếu không nạp đủ chất dinh dưỡng thích hợp - hoặc cơ thể không thể hấp thụ chúng - phụ nữ không thể sản xuất hormone để điều hòa kinh nguyệt. Nếu giảm cân quá nhanh, kinh nguyệt có thể ngừng hoàn toàn.
Ngoài ra, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao và béo phì cũng có thể gây ra những thay đổi về nồng độ hormone - đặc biệt là estrogen và progesterone - làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Tăng cân, béo phì còn liên quan đến việc tăng nguy cơ và làm nặng thêm PCOS.
6. Biện pháp tránh thai
Nhiều hình thức tránh thai dựa vào hormone để ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Nhưng sự chuyển đổi nội tiết tố xảy ra khi bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi biện pháp tránh thai có thể ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt. Trong một số trường hợp, có thể mất ba tháng hoặc hơn để kinh nguyệt trở lại bình thường.
7. Các vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp tạo ra hormone để giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển. Nhưng tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc hoạt động kém (suy giáp) có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, bao gồm cả vô kinh. Tuyến giáp cũng điều chỉnh quá trình trao đổi chất - năng lượng mà cơ thể nhận được từ thức ăn. Nếu nó không hoạt động tốt, bạn có thể bị giảm hoặc tăng cân - đều ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
8. Bệnh mạn tính
Ngoài các rối loạn tuyến giáp, các bệnh mạn tính khác có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt, bao gồm: bệnh celiac, bệnh tiểu đường và bệnh viêm vùng chậu. Ngay cả khi bản thân bệnh không ảnh hưởng đến kinh nguyệt, thuốc cũng có thể gây ra vấn đề. Các loại thuốc có thể gây chậm kinh hoặc mất kinh bao gồm: thuốc chống động kinh, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, hóa trị liệu và thuốc điều trị tuyến giáp.
Hà Đan (Theo UCLA Health)