Trước khi nhập viện Phát bị viêm họng, viêm da và nổi mụn nước ở chân. Sau 7 ngày, bé đi tiểu ra máu, toàn thân sưng phù, nửa đêm đang ngủ bỗng đau đầu dữ dội, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ngày 7/1, PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, cho hay huyết áp của bé Phát lên đến 180/90 mmHg (bình thường dưới 128/80 mmHg), tiểu ít. Huyết áp rất cao có thể gây suy tim, nguy hiểm đến tính mạng, chẩn đoán viêm cầu thận cấp.
Nguyên nhân viêm cầu thận thường do vi khuẩn liên cầu, xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm trùng ở họng và ngoài da. Bác sĩ Trụ giải thích bé Phát bị vi khuẩn gây viêm họng xâm nhập vào cơ thể, khi đến thận gây viêm, dẫn đến huyết áp cao, tiểu ít. Cầu thận bị viêm khiến dịch tích tụ lại trong máu, huyết áp cao, hồng cầu thoát ra nước tiểu tạo nên màu hồng, đỏ.
Nguyên tắc điều trị viêm cầu thận cấp là hạ huyết áp, giúp người bệnh đi tiểu nhiều. Bác sĩ kê đơn thuốc lợi tiểu và hạ huyết áp cho bệnh nhi. Sau ba ngày, bé hết sưng phù, cân nặng trở lại bình thường, huyết áp còn 130/85 mmHg, đi tiểu bình thường và được xuất viện. Bác sĩ hướng dẫn người nhà cần tái khám cho bé định kỳ.
Viêm cầu thận cấp là một trong ba bệnh thường gặp của thận ở trẻ (bên cạnh hội chứng thận hư và nhiễm trùng đường tiểu). Đặc biệt ở độ tuổi 2-12, bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi bé gái.
Bên cạnh sưng phù toàn thân, nước tiểu có màu lạ, trẻ mắc bệnh còn có biểu hiện tiểu ít, cơ thể mệt mỏi, khó thở... Bác sĩ Trụ lưu ý trẻ có triệu chứng đau đầu, co giật là dấu hiệu cảnh báo cao huyết áp, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện khám ngay. Bởi không phải bệnh lý thận chỉ xảy ra ở người già mà thực tế độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Phòng ngừa bệnh bằng cách giữ thân thể trẻ sạch sẽ, ăn uống lành mạnh, tiêm phòng theo khuyến cáo, vệ sinh môi trường sống.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |