Ca đột quỵ chiếm 5% cấp cứu ở TP HCM

Thông tin được bác sĩ Lê Nguyễn Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM, chia sẻ tại sơ kết quản lý chất lượng cấp cứu ngoại viện và nhận giải thưởng Vàng của tổ chức EMS Angels về cấp cứu đột quỵ ngoại viện, ngày 28/11.

9 tháng đầu năm, nơi này tiếp nhận khoảng 270 nghìn cuộc gọi cấp cứu, trong đó 10-15% có nhu cầu cấp cứu thật sự, còn lại chủ yếu là các tư vấn y tế. Số ca cấp cứu đột quỵ chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố, thời gian tiếp cận hiện trường dao động từ 12-16 phút. Bệnh nhân được xử trí ban đầu, thông báo trước với bệnh viện rồi chuyển đến nơi có thể điều trị đột quỵ.

Theo bác sĩ Hoàng, việc điều chuyển bệnh nhân đột quỵ vẫn còn nhiều khó khăn do số lượng cơ sở điều trị đạt chuẩn ít. Chưa kể, bệnh nhân và người nhà mong muốn chuyển đến các bệnh viện không thuộc danh sách điều trị đột quỵ.

Hiện Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới. Mỗi ngày, các bệnh viện TP HCM tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đột quỵ. Nhiều người không qua khỏi hoặc đối diện các di chứng như tàn phế, liệt người, giảm trí nhớ... vì vào viện trễ.

Một ca cấp cứu đột quỵ ngoại viện được nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Một ca cấp cứu đột quỵ ngoại viện được nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Bên cạnh việc đến hiện trường, vận chuyển người bệnh vào viện, Trung tâm Cấp cứu 115 còn hướng dẫn sơ cứu đột quỵ qua điện thoại, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cấp cứu, tăng ý thức của người dân. Nơi này hướng đến mở rộng mạng lưới cấp cứu, đa dạng hóa phương tiện để rút ngắn hơn nữa thời gian tiếp cận hiện trường.

Hiện, Cấp cứu 115 TP HCM có 43 trạm vệ tinh tại các bệnh viện công lập và tư nhân, phủ rộng khắp các quận huyện. Thời gian tới, nơi này tiếp tục quản lý cấp cứu đột quỵ ngoại viện, phấn đấu đạt các chứng nhận theo tiêu chuẩn chung của thế giới trong các bệnh khác như ngừng tim, chấn thương..., phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân thành phố.

Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu... Thay đổi lối sống bằng chế độ vận động tập luyện, thức ăn phù hợp, hạn chế rượu bia và tuyệt đối không sử dụng thuốc lá. Nhận biết được triệu chứng của đột quỵ và đến bệnh viện ngay khi khởi phát.

Áp dụng bài test FAST để nhận biết dấu hiệu đột quỵ. Trong đó, F là Face - mặt, yêu cầu người bệnh cười hoặc nhăn mặt, nếu một bên mặt bị xệ hoặc không thể cử động bình thường có thể là dấu hiệu của đột quỵ. A là Arms - tay, yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên, cảnh giác nếu một tay yếu hoặc rơi xuống, không thể giữ vững.

S là Speech - lời nói, người bệnh lặp lại một câu đơn giản, nếu nói không rõ hoặc không thể nói được có thể là dấu hiệu của đột quỵ. T là Time - thời gian, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, đưa người bệnh đến cơ sở có khả năng cấp cứu điều trị đột quỵ gần nhất. Tuyệt đối không trì hoãn hay sơ cứu tại chỗ vì làm mất đi cơ hội điều trị bệnh nhân.

Lê Phương