Cách sơ cứu trẻ hóc dị vật đường thở

Biểu hiện trẻ hóc dị vật đường thở thường gặp như tím tái tức thì, nôn, ho sặc sụa, khó thở, hoảng loạn, không thể nói hoặc khóc... Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể ngừng thở, tử vong.

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ hóc dị vật đường thở, tùy từng trường hợp có cách xử lý khác nhau. Đầu tiên, người lớn cần giữ bình tĩnh, không cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì có thể đẩy dị vật vào sâu khiến trẻ nôn ói, sặc chất ói nguy hiểm.

Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, nên đặt trẻ ở tư thế ngồi, nhanh chóng đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, gắp dị vật. Hầu hết trường hợp hóc dị vật đều có thể xử trí an toàn nếu trẻ được đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Trường hợp trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu thì sau khi gọi xe cấp cứu, người lớn có thể thực hiện thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe đến.

Người lớn có thể vỗ lưng ấn ngực với trẻ dưới hai tuổi trong thời gian chờ xe cấp cứu. Đầu tiên, đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái của người sơ cứu. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ không bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai. Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải của người sơ cứu. Nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh 5 cái ở vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Trường hợp trẻ trên hai tuổi, sử dụng thủ thuật Heimlich. Nếu trẻ còn tỉnh, ba mẹ đứng sau lưng và vòng hai tay ôm thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ, sau đó nắm chặt bàn tay thành một quả đấm ở vùng thượng vị. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ, sau đó nắm chặt bàn tay thành một quả đấm ở vùng thượng vị. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nếu trẻ hôn mê, người lớn đặt trẻ hóc dị vật nằm ngửa, quỳ xuống dạng hai chân cạnh đùi của trẻ. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Bác sĩ Hằng tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hằng tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Khi trẻ hóc dị vật, cần có người hỗ trợ sơ cứu và liên hệ nhân viên y tế ngay. Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật đã được lấy ra, người lớn vẫn cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp còn sót dị vật.

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp