Chuyên gia dinh dưỡng Natalie Allen, Phó giáo sư lâm sàng tại Đại học bang Missouri, cho biết vitamin C là một dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể không thể tự sản xuất. "Vitamin C giúp hình thành và hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch, giúp cơ thể xác định và chống lại nhiễm trùng", bà giải thích. Ngoài ra, vitamin C còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương, hỗ trợ sự phát triển của mô, giúp da, cơ và mạch máu khỏe mạnh. Trái cây họ cam quýt nổi tiếng với hàm lượng vitamin C cao, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Một quả cam chứa khoảng 83mg vitamin C, trong khi nửa quả bưởi đỏ cung cấp khoảng 46mg, giúp bạn dễ dàng đạt mức khuyến nghị hàng ngày (75 – 90mg).
Giáo sư dinh dưỡng Alex Kojo Anderson tại Đại học Georgia cho biết cam quýt là "vũ khí tự nhiên" phòng cúm mùa. Theo đó, vitamin C trong các loại quả này không thể chữa khỏi cảm lạnh nhưng nếu bổ sung đầy đủ mỗi ngày, hệ miễn dịch sẽ hoạt động hiệu quả hơn, giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy tiêu thụ ít nhất 200mg vitamin C mỗi ngày giúp giảm thời gian bị cảm lạnh khoảng 8%. Dù nghiên cứu tập trung vào vitamin C từ thực phẩm bổ sung, các chuyên gia khuyến nghị nên lấy dưỡng chất này từ trái cây tươi, vì chúng còn cung cấp chất xơ, nước và các vi chất dinh dưỡng quan trọng.

Vitamin C không chữa khỏi cảm cúm nhưng nếu bổ sung đầy đủ nó sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Ảnh minh họa
Ngoài lợi ích đối với hệ miễn dịch, cam quýt còn chứa nhiều hợp chất chống viêm, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch và tiểu đường. Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh, hạn chế tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Bên cạnh đó, nhóm carotenoid có trong cam, bưởi cũng có tác dụng tương tự, góp phần bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do.
Để tận hưởng tối đa lợi ích của trái cây họ cam quýt, tốt nhất là ăn nguyên quả thay vì uống nước ép. Theo Giáo sư Anderson, khi ép nước, bạn sẽ mất đi một lượng lớn chất xơ có lợi. Hơn nữa, cần nhiều trái cây để tạo ra một cốc nước ép, khiến lượng đường và calo tiêu thụ tăng cao hơn so với khi ăn trực tiếp.
Ngoài ra, cần lưu ý về tương tác thuốc khi sử dụng bưởi và nước ép bưởi. Loại quả này có thể cản trở quá trình chuyển hóa một số loại thuốc bằng cách ức chế enzyme liên quan, dẫn đến việc thuốc đi vào máu nhiều hơn mức bình thường, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Trong một số trường hợp khác, chẳng hạn với thuốc tuyến giáp, bưởi có thể ngăn chặn sự hấp thụ thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị. Giáo sư khuyến nghị những người đang sử dụng thuốc theo toa nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn hoặc uống nước bưởi.
Bên cạnh đó, vỏ cam quýt cũng chứa nhiều lợi ích đáng chú ý. Một số nghiên cứu cho thấy tinh dầu trong lớp vỏ ngoài có chứa chất chống oxy hóa, có thể mang lại lợi ích sức khỏe. Việc thêm vỏ cam, chanh vào món ăn không chỉ tăng hương vị mà còn giúp tận dụng tối đa những dưỡng chất này.
Phạm Linh (Theo NYTimes)