Chặn nguy cơ gout nhờ giảm 4 kg trong một tháng

Trước khi điều trị, chị Loan nặng 77 kg, vòng eo 95 cm, cao 1,59 m. Chị ăn kiêng theo chế độ keto (cắt hoàn toàn tinh bột, đường) giảm 10 kg trong ba tháng nhưng rụng tóc nhiều, khó tập trung. Sau đó, chị tăng cân trở lại nên chuyển sang chế độ eat clean ưu tiên ngũ cốc nguyên cám, thực phẩm tự nhiên, chế biến ít dầu mỡ nhưng không giảm được cân.

Mới đây chị khám sức khỏe, kết quả chỉ số axit uric máu lên 568 μmol/L trong khi bình thường dưới 380 μmol/L, mỡ máu cao 4,4 mmol/L (bình thường dưới 3,1 mmol/L), nguy cơ mắc bệnh thận, gout, biến chứng tim mạch. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị béo phì.

Ngày 31/12, BS.CKI Phan Thị Thùy Dung, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết chỉ số BMI của chị Loan 30,1 kg/m², xếp loại béo phì độ một. Bác sĩ đánh giá chị giảm 5-10% cân nặng trong 3-6 tháng, tương đương giảm 3,8-7,7 kg, có thể giảm axit uric và mỡ máu hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng lâu dài. Trước đây chị giảm cân rồi tăng cân trở lại có thể do chưa cân đối đúng lượng calo nạp vào và tiêu hao. Ngoài ra, stress và thiếu ngủ kéo dài làm tăng hormone căng thẳng, gây thèm ăn, tiêu hóa chậm, kháng insulin, tăng mỡ bụng, dẫn đến khó kiểm soát cân nặng.

Bác sĩ Dung tư vấn cho chị Loan cách giảm cân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Dung tư vấn cho chị Loan cách giảm cân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ kê đơn thuốc kết hợp tư vấn dinh dưỡng, tập luyện cho chị Loan. Thuốc giảm cân làm ức chế cảm giác thèm ăn, giảm hấp thu, tăng đào thải mỡ qua đường tiêu hóa. Chị Loan cần cân đối khẩu phần ăn, lượng thịt mỗi bữa bằng một lòng bàn tay (không tính ngón tay), tinh bột chưa nấu chín một lòng bàn tay, ưu tiên rau xanh, không ăn vặt. Bác sĩ khuyên người bệnh giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày để hạn chế stress và rối loạn nội tiết tố.

Sau một tháng chị giảm 4 kg và 7 cm vòng eo. Chỉ số axit uric về mức 396 μmol/lít tức ở ngưỡng an toàn, mỡ máu giảm còn 3,6 mmol/L, tinh thần thoải mái, dễ ngủ. Mục tiêu của chị là giảm thêm 16 kg.

Axit uric là sản phẩm chuyển hóa của purin (chất có nhiều trong thực phẩm, thức uống). Tăng axit uric máu xảy ra khi cơ thể phân hủy purin quá mức hoặc không đào thải được axit uric. Tình trạng này có thể xảy ra ở người béo phì do rối loạn chuyển hóa, ăn nhiều thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, rượu bia... Tăng axit uric máu gây lắng đọng tinh thể axit uric dẫn đến gout, viêm khớp giảm chức năng lọc máu và ảnh hưởng đến thận.

Bác sĩ Dung cho biết thêm giảm cân không chỉ giúp cải thiện chỉ số axit uric mà còn ngăn ngừa tiểu đường, tim mạch và các bệnh đồng mắc khác, kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hạn chế thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, nội tạng, hải sản có vỏ, tránh đồ uống có cồn. Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên. Kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và quản lý các yếu tố nguy cơ.

Đinh Tiên

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp