Sỏi mật là những viên sỏi nhỏ hình thành trong túi mật hoặc ống mật chủ. Sỏi mật kích thước lớn, không được điều trị có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn chế độ ăn tốt cho người bị sỏi mật hoặc từng điều trị bệnh này.
Nên ăn
Thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau xanh, đậu, trái cây họ cam quýt, ớt chuông, cà chua chứa vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp duy trì túi mật khỏe mạnh. Chất chống oxy hóa hỗ trợ loại bỏ các phân tử độc hại (gốc tự do). Bởi các gốc tự do tích tụ lâu ngày dẫn đến căng thẳng oxy hóa, gây tổn thương tế bào.
Protein cần thiết cho quá trình sửa chữa và phát triển các mô cơ thể. Thịt đỏ là nguồn protein tốt nhưng chứa nhiều chất béo, dễ gây căng thẳng cho túi mật. Người bị sỏi mật nên chọn thực phẩm chứa protein ít chất béo như gia cầm, cá, trứng, sữa không béo, các loại hạt và đậu.
Chất xơ hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột hoạt động ổn định để di chuyển thức ăn qua ruột, tránh tích tụ bùn mật, giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật, túi mật. Nguồn chất xơ có lợi cho người bị sỏi mật bao gồm trái cây, rau, cây họ đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt...
Nên tránh
Chất béo có thể gây khó tiêu, đau, đầy hơi, đầy bụng, tiêu chảy. Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật. Người bệnh cần hạn chế chất béo có trong các thực phẩm từ động vật, thịt chế biến sẵn, thịt mỡ, bơ, kem, pho mát, bánh ngọt, dầu dừa hoặc dầu cọ.
Thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa trong các sản phẩm không phải từ động vật như dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu ô liu, trái bơ, các loại hạt. Người có sỏi mật hoặc nguy cơ mắc bệnh nên chọn uống sữa hoặc sản phẩm từ sữa để cung cấp dinh dưỡng, giảm bổ sung chất béo.
Để kiểm soát lượng chất béo có trong thực phẩm, người bệnh nên ưu tiên sử dụng thức ăn tự nấu, sử dụng bình xịt dầu khi nấu ăn thay vì đổ dầu trực tiếp, chỉ sử dụng chất béo hoặc dầu trong thực phẩm khi thực sự cần thiết.
Hạn chế đồ ăn, uống nhiều đường bằng cách kiểm tra nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Không giảm cân quá nhanh vì dễ làm tăng nguy cơ tích tụ sỏi mật.
Người mắc bệnh sỏi mật nên cân nhắc hoặc hạn chế thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh như carbohydrate tinh chế có trong bột mì, bánh mì, chuối, khoai tây. Carbohydrate hấp thụ nhanh làm tăng lượng đường trong máu, tăng cholesterol trong mật. Hạn chế đường trắng, bơ, pho mát, sữa nguyên kem, dừa, mỡ động vật... Không uống rượu và hút thuốc lá. Giữ khoảng cách giữa các bữa ăn không quá 12 giờ, ăn nhẹ trước khi đi ngủ vào buổi tối và tránh bỏ bữa sáng cũng góp phần ngăn ngừa sỏi mật hình thành.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |