Trả lời:
Uốn ván bệnh nhiễm trùng cấp tính, tỷ lệ tử vong từ 25-90%. Ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván khiến người bệnh co cứng cơ, suy hô hấp, ngưng tim, rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến tử vong. Vi khuẩn uốn ván tồn tại trong môi trường đất, cát, cống rãnh, chất thải của người và con vật, xâm nhập vào cơ thể gây bệnh thông qua mọi loại vết thương hở. Vết thương ở bàn tay, chân có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất.
Loài lươn sống ở nơi đất thịt pha sét, đất bùn, có hàm răng sắc nhọn nên có thể mang vi khuẩn uốn ván và lây truyền cho người. Mặt khác, vết thương có khả năng phơi nhiễm với mầm bệnh uốn ván trong môi trường lao động và sinh hoạt.
Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chủng ngừa uốn ván, phòng bệnh kịp thời. Phác đồ tiêm phụ thuộc vào lịch sử chủng ngừa của từng người.
Trường hợp chưa rõ lịch sử chủng ngừa, phác đồ gồm ba mũi, trong đó mũi 2 cách mũi 1 một tháng và mũi 3 cách mũi thứ 2 sáu tháng. Vaccine cần nhắc lại mỗi 10 năm/lần hoặc khi có vết thương để hiệu quả bảo vệ lâu dài. Mọi người có thể chủ động tiêm ngừa uốn ván trước khi bị thương, phòng lây nhiễm uốn ván khi sinh hoạt, làm việc.
Trường hợp đã chủ động tiêm vaccine dự phòng, nếu có vết thương lớn và nguy cơ mắc uốn ván, nhắc lại một liều vaccine, không cần dùng Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT).
Hiện Việt Nam có các loại vaccine phòng ngừa uốn ván như sau:
Vaccine 6 trong 1 (Infanrix Hexa hoặc Hexaxim) và 5 trong 1 (Pentaxim), chỉ định cho trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi.
Loại 4 trong 1 (Tetraxim) tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 13 tuổi.
Mũi phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván (Adacel hoặc Boostrix) tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn.
Vaccine hạch hầu - uốn ván (Td) tiêm cho trẻ từ 7 tuổi và người lớn.
Loại uốn ván hấp phụ (TT). Lịch tiêm các mũi sẽ căn cứ theo độ tuổi và tiền sử tiêm chủng ngừa.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.