Cô sinh viên đại học đến từ Nam Dakota bất ngờ phát hiện mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 sau khi khám sức khỏe định kỳ vào mùa hè năm ngoái. Trong một video có 1,4 triệu lượt xem, Jenna cho biết: "Tôi ngủ thêm khoảng 5 tiếng mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ trưa. Mọi người nghĩ tôi lười biếng, nhưng thực ra đó là dấu hiệu ung thư".
Jenna kể lại quá trình phát hiện bệnh trên TikTok và Instagram, thu hút sự quan tâm lớn. Video: Tiktok nhân vật
Mệt mỏi kéo dài là triệu chứng phổ biến của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn tiến triển, do các tế bào ung thư tiêu hao nhiều năng lượng của cơ thể. Ngoài ra, Jenna cũng trải qua những cơn đau bụng dữ dội nhưng lại nghĩ rằng mình chỉ bị táo bón. Ung thư cổ tử cung có thể tạo áp lực lên các cơ quan, mô và dây thần kinh xung quanh, gây ra cơn đau tương tự đau bụng kinh.

Jenna cho biết cô hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị ung thư. Ảnh: Instagram nhân vật
Trước đó, Jenna luôn tin mình là một người trẻ khỏe mạnh. "Tôi chưa từng phải nhổ răng khôn hay gãy xương, vậy mà lại mắc ung thư", cô chia sẻ trên Instagram. Jenna được bác sĩ thông báo có một khối u 4,5 cm và cần điều trị bằng hóa trị kết hợp xạ trị. Dù vậy, kết quả chụp PET (chụp cắt lớp phát xạ positron) vào tháng 12/2024 cho thấy ung thư đã di căn đến hơn 12 hạch bạch huyết. Hiện tại, tình trạng bệnh của cô ở giai đoạn 4, khi ung thư đã lan ra ngoài vùng chậu, không còn khả năng chữa khỏi. Gần đây, Jenna phải đặt một cổng hóa trị dưới da để tiếp tục các đợt điều trị.
Nhiều người không giấu được xúc động khi theo dõi hành trình của Jenna. Họ gửi lời động viên và cầu nguyện cho cô sớm vượt qua: "Tôi đã khóc ngay lập tức. Bạn thật dũng cảm Jenna. Bạn sẽ vượt qua được chuyện này"; "Bạn thật xinh đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài"; "Tôi tin bạn sẽ vượt qua được! Nụ cười rạng rỡ của bạn nói lên điều đó".
Jenna cạo đầu điều trị ung thư. Video: Tiktok nhân vật
Tại Mỹ, khoảng 11.500 phụ nữ, chủ yếu trong độ tuổi 35-44, được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung mỗi năm. Hơn 90% trường hợp do virus papilloma ở người (HPV) gây ra, nhưng Jenna thuộc nhóm hiếm mắc bệnh không liên quan đến HPV. Ung thư cổ tử cung có khả năng chữa khỏi cao nếu phát hiện sớm, do đó, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm Pap định kỳ từ tuổi 21. Mỗi năm, khoảng 4.000 phụ nữ Mỹ tử vong vì căn bệnh này.
Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Khí hư loãng, có máu hoặc mùi hôi
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Nhu cầu đi tiểu bất thường
- Da vàng, ngứa da
Phạm Linh (Theo NyPost)