Có nên tống cồn khỏi cơ thể bằng chủ động gây nôn?

Trả lời:

Nhiều người khi trót uống nhiều rượu thường móc họng để tống cồn ra khỏi cơ thể, hành động này tiềm ẩn nguy hiểm.

Thực tế, y học có phương pháp gây nôn, nhưng không dùng để giải quyết khi uống rượu mà thường được áp dụng để cứu bệnh nhân ngộ độc hay uống nhầm thuốc. Nguyên lý của phương pháp này là dùng ngón tay trỏ đưa vào khoang miệng, kích thích sâu trong cổ họng, sẽ khiến ta có cảm giác buồn nôn, từ đó gây nôn, song móc họng đòi hỏi người có chuyên môn hướng dẫn thực hiện.

Nếu bạn tự ý móc họng không đúng cách, ngón tay nhọn hoặc móng tay dài kết hợp với lực ấn xuống quá mạnh sẽ làm bộ phận này bị tổn thương, thậm chí gây đau đớn. Ngoài ra, trong quá trình nôn, khí quản dễ sặc bởi thức ăn hoặc dịch vị dạ dày, gây ngạt thở.

Chưa kể móc họng nôn mửa trong thời gian dài sẽ gây nhiều tác hại, bao gồm tổn thương tới thực quản, dẫn đến viêm thực quản, loét hay chảy máu thực quản; rối loạn, tổn thương hệ tiêu hóa.

Để hạn chế tình trạng say rượu, tốt nhất không hoặc uống ít rượu. Một số loại thuốc tráng dạ dày (không phải thuốc giải rượu) có thể giúp hạn chế việc say xỉn. Cơ chế của những loại thuốc này giống như một lớp màng bảo vệ dạ dày, ngăn chặn sự tấn công trực tiếp của acid và thành dạ dày và làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào trong máu.

Một cách khác giảm say sau khi uống rượu là bù điện giải bằng uống oresol pha theo chỉ dẫn. Bổ sung nhiều nước sau uống rượu bia cũng là cách tăng bài tiết, giảm cảm giác say. Khi cơ thể bổ sung nhiều nước, đi tiểu nhiều thì nồng độ cồn sẽ giảm nhanh hơn, từ đó giảm say. Tuy nhiên, việc uống nước cần đúng cách, bổ sung từ từ và quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể.

Rượu bia là thức uống không có lợi cho sức khỏe, nguyên nhân trực tiếp gây nên hơn 30 bệnh lây nhiễm và 200 bệnh tật khác. Ảnh minh họa: Henryford

Rượu bia là thức uống không có lợi cho sức khỏe, nguyên nhân trực tiếp gây nên hơn 30 bệnh lây nhiễm và 200 bệnh tật khác. Ảnh minh họa: Henryford

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh
Hội bệnh Mạch máu Việt Nam