Công nghệ hiện đại cứu sống trẻ sinh non

TS.BS Cam Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Chu sinh và Sơ sinh tại TP HCM chia sẻ như trên tại Hội nghị Chu sinh và Sơ sinh thường niên 2024 diễn ra ở Bệnh viện Nhi đồng TP HCM ngày 22-24/11. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nơi bác sĩ Phượng công tác với vai trò Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, trẻ vừa chào đời được chăm sóc ngay bằng các kỹ thuật, công nghệ cao, từ đó tăng tỷ lệ nuôi sống, nhất là nhóm sinh cực non ở tuần thai 24 hoặc tuổi thai lớn nhưng cân nặng chỉ 500 g.

Các bác sĩ Sản và Sơ sinh phối hợp theo dõi, can thiệp sớm thai kỳ nguy cơ sinh non, điều trị kéo dài tuổi thai trong tử cung, tăng cơ hội sống cho trẻ. Thai phụ được tiêm thuốc trưởng thành phổi để dự phòng suy hô hấp sau sinh. Sau khi chào đời, trẻ được nuôi trong lồng ấp, máy thở hiện đại, bệnh viện cũng áp dụng mô hình chăm sóc lấy gia đình là trung tâm (Family-centered care). Mô hình này cho phép gia đình vào phòng NICU để nói chuyện, chăm sóc, da kề da sớm với trẻ khi trẻ còn thở máy. Bác sĩ cho bé sinh non được massage toàn thân giúp trẻ phát triển xúc giác, kích thích vận động từ sớm.

Bác sĩ Ngọc Phượng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Tuệ Diễm

Bác sĩ Ngọc Phượng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Tuệ Diễm

Bác sĩ Phượng dẫn trường hợp chị Seang, 27 tuổi, mang thai 23 tuần dọa sinh non, chuyển từ Campuchia về Việt Nam giữ thai thêm 4 ngày trong bụng mẹ. Bé trai chào đời ở tuần 24, nặng 670 g, tím tái, không thể tự thở. Êkíp áp dụng "phác đồ giờ vàng" hồi sức cho trẻ ngay tại phòng sinh gồm kẹp rốn muộn, bọc túi nhựa ủ ấm phòng hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ thở thông khí áp lực dương không xâm lấn (CAP). Bé được cứu sống nhờ can thiệp ngay sau sinh bằng công nghệ nuôi trẻ sinh non hiện đại.

Trường hợp khác, song thai thụ tinh ống nghiệm, chào đời ở tuần 25, cân nặng lần lượt 600 và 700 g được can thiệp hồi sức kịp thời. Hiện hai bé đều vượt qua giai đoạn nguy hiểm, tiếp tục điều trị tại bệnh viện.

Một trẻ sinh non nằm trong lồng ấp với tính năng làm ấm tự động. Ảnh: Phong Lan

Một trẻ sinh non nằm trong lồng ấp với tính năng làm ấm tự động. Ảnh: Phong Lan

BS.CKII Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết đơn vị thiết lập ba tầng dự phòng, can thiệp sớm, nhằm giảm nguy cơ sinh non. Đầu tiên bác sĩ đánh giá nguy cơ thai phụ sinh non dựa trên yếu tố cấu trúc tử cung, chiều dài cổ tử cung, trường hợp bị ngắn cần phẫu thuật trước can thiệp bằng kỹ thuật khâu eo tử cung qua đường nội soi. Tiếp đến, sử dụng thuốc dự phòng sinh non, test dự phòng tiên đoán khả năng sinh non, tầm soát tiền sản giật, đái tháo đường, tầm soát nhiễm trùng... Cuối cùng điều trị can thiệp như khâu hoặc đặt vòng nâng cổ tử cung, nếu đa thai có chiến lược can thiệp giảm thai sớm.

Theo bác sĩ Hải, thời gian qua số trẻ sinh non có khuynh hướng tăng, tỷ lệ sinh non trên thế giới khoảng 10%, tử vong khoảng 900.000. Riêng tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có 8.500-10.000 trường hợp sinh non trong tổng số 60.000-62.000 ca sinh. Tính từ đầu năm đến tháng 10 có khoảng 8.440 ca sinh non.

"Số lượng trẻ non tháng tại bệnh viện là 15% cao hơn mức trung bình của thế giới", bác sĩ Hải nhấn mạnh, thêm rằng bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ cho 32 tỉnh thành phía Nam, từ Đà Nẵng đến Cà Mau, nên lượng thai phụ nguy cơ sinh non dồn về điều trị đông.

Tỷ lệ trẻ sinh non được nuôi sống tăng theo từng năm, góp phần giúp tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi giảm từ 14,7 trên 1.000 trẻ năm 2015 xuống còn 12,1 năm 2022. Bác sĩ Hải dự kiến số trẻ sinh non có thể tiếp tục tăng lên do độ tuổi mang thai người mẹ lớn, sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản tăng lên.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân sinh non có thể do chuyển dạ tự nhiên, nhiễm trùng thai nhi, vỡ ối sớm. Sinh non là một trong những thách thức lớn của y khoa nhưng hiện nay y học hi��n đại có thể phòng ngừa.

Bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên khám thai đầy đủ để được đánh giá, phát hiện bất thường. Khi có dấu hiệu cảnh báo sinh non như co thắt tử cung từng cơn, đau bụng, đau lưng liên tục, âm ỉ, ra nước âm đạo (rỉ ối), thay đổi dịch tiết hoặc chảy máu vùng kín cần đến bệnh viện ngay. Thai phụ cần nhập viện để bác sĩ theo dõi, điều trị giảm cơn gò tử cung giúp trì hoãn, giữ thai. Trường hợp không thể can thiệp, bác sĩ sản, sơ sinh sẽ có kế hoạch đỡ sinh an toàn.

Thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 71% tử vong trẻ em dưới một tuổi, 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân là đẻ non, nhẹ cân, ngạt, chấn thương sau khi sinh, dị tật, các nhiễm khuẩn... Trong đó, nguyên nhân do đẻ non, nhẹ cân chiếm 25%.

Tuệ Diễm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp