Dịch cúm đang hoành hành khắp Đông Á. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... ghi nhận đợt dịch cúm mùa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, khiến các bệnh viện quá tải, thuốc khan hiếm. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận số ca cúm tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và Tết song không tăng đột biến so với hàng năm, tác nhân chủ yếu là virus A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Khi số ca cúm tăng lên, điều quan trọng là phải lưu ý đến cách virus có thể tác động đến một số khía cạnh của sức khỏe. Các triệu chứng nhẹ của bệnh cúm là sốt, đau nhức cơ thể, nhức đầu, ho, đau họng và mệt mỏi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy bệnh cúm cũng có thể tác động đến não, dẫn đến các vấn đề ngắn hạn như sương mù não, thay đổi tâm trạng và chậm chạp. Trong một số trường hợp, nó cũng có thể gây ra tình trạng viêm thần kinh kéo dài làm suy giảm chức năng nhận thức và trí nhớ.

Ảnh: Mayo Clinic
Tại sao bệnh cúm khiến chúng ta cảm thấy chậm chạp?
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một nhóm tế bào thần kinh trong cổ họng nhiễm virus cúm đã gửi tín hiệu đến não, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn và chậm chạp.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature giải thích, do nhiễm trùng dẫn đến việc sản xuất các hóa chất gọi là prostaglandin, giúp cơ thể chống lại bệnh tật nhưng cũng khiến bạn cảm thấy không khỏe. Các nhà khoa học nhận thấy những hóa chất này không cần phải di chuyển đến não thông qua mạch máu. Thay vào đó, các tế bào thần kinh trong cổ họng phát hiện chúng trực tiếp và gửi tín hiệu đến não.
Tác động chết người của bệnh cúm lên não
Trong một số trường hợp hiếm gặp, virus cúm có thể xâm nhập vào não và gây ra tình trạng nghiêm trọng gọi là viêm não do cúm (IAE), có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.
Một nghiên cứu mới từ Đại học Osaka phát hiện ra rằng virus xâm nhập vào não thông qua các tế bào nội mô, tạo thành một hàng rào bảo vệ giữa máu và não. Khi đã vào bên trong, virus không nhân lên mà tích tụ các protein virus, làm hỏng hệ thống phòng thủ của não.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các loại thuốc kháng virus thông thường ngăn chặn sự phát triển của virus có thể không tác dụng đối với IAE. Tuy nhiên, các loại thuốc ngăn chặn sản xuất protein virus cho thấy kết quả khả quan ở chuột, làm giảm tổn thương não và cải thiện tỷ lệ sống sót.
Tác động của cúm kéo dài lên não bộ
Một nghiên cứu từ Đại học Michigan đã phát hiện ra rằng những người nhập viện vì nhiễm cúm nặng có thể phải đối mặt với nguy cơ tổn thương não lâu dài cao hơn so với những người nhập viện vì Covid.
Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân nhập viện vì cúm có khả năng phải điều trị các vấn đề thần kinh cao gấp đôi so với những bệnh nhân nhập viện vì Covid. Điều này bao gồm nguy cơ đau thần kinh tăng 44%, nguy cơ phải chiến đấu với chứng đau nửa đầu dai dẳng cao hơn 35% và nguy cơ đột quỵ hoặc chứng mất trí cao hơn 10%.
Nguyên nhân có thể do tình trạng viêm lan rộng khắp cơ thể, gây hại cho mạch máu.
Hướng Dương (Theo Times of India)