Khối u của bà Nguyệt năm 2022 kích thước 2x2 cm, sau phẫu thuật tiếp tục điều trị hóa chất nhưng không đáp ứng. Khối u tái phát, tăng kích thước ngày càng lớn, xâm lấn các tạng xung quanh gây đau đớn, đi lại khó khăn, không thể ngồi, vệ sinh không tự chủ. Cuối năm nay, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám, lúc này khối tổn thương kích thước 16,6x19,6 cm.
Ngày 1/1, Phó giáo sư Triệu Triều Dương, Giám đốc chuyên môn Ngoại khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết u xuất phát từ tổ chức cơ trơn vùng ranh giới giữa trực tràng và tử cung, phát triển lấp đầy tiểu khung (khu vực dưới rốn) vượt qua tầng sinh môn (khoảng trống giữa hậu môn và âm hộ). Ngoài ra khối u di căn cực trên thận phải kích thước 4,3x5,5 cm, xâm lấn cơ mông hai bên, vào bàng quang. Người bệnh còn có đa nhân xơ tử cung, sỏi túi mật. Xét nghiệm giải phẫu bệnh ghi nhận Sarcoma cơ trơn (Leiomyosarcoma) - dạng ung thư ít gặp ảnh hưởng đến xương và các mô liên kết. Sarcoma chiếm chưa đến 1% trong các bệnh ung thư ở người lớn.
"Trong 40 năm làm nghề, đây là lần đầu tôi gặp bệnh phức tạp, u lớn, xâm lấn nhiều tạng và di căn xa như vậy", Phó giáo sư Dương nói, thêm rằng người bệnh từng hóa trị và không đáp ứng, giải pháp duy nhất lúc này là phẫu thuật song nhiều rủi ro, thách thức bởi diện phẫu thuật rộng, cần cắt nhiều cơ quan, nguy cơ mất máu lớn trong và sau mổ. Tuy nhiên, cả người bệnh và gia đình mong được điều trị nên các bác sĩ quyết định lên kế hoạch đại phẫu.
Êkíp bắt đầu cắt tử cung và phần phụ chứa khối u, tiếp đến cắt bán phần bàng quang bị xâm lấn, khâu tạo hình phục hồi bàng quang. Cuộc thứ ba, cắt đoạn sigma - trực tràng, làm hậu môn nhân tạo. Thứ 4, thắt động mạch chậu trong hai bên chủ động. Hoàn thành bước này, êkíp chuyển sang cắt bán phần thận phải kèm khối u, tiếp theo là loại bỏ túi mật có sỏi.
Cuộc phẫu thuật thứ 6, bác sĩ di động manh tràng, quai hồi tràng che phủ tiểu khung. Sau đó lần lượt di động mạc nối lớn che phủ chậu hông bé; cắt khối u vùng mông, cơ thắt, cân cơ sàn chậu và một phần cơ mông hai bên, đoạn trực tràng, xương cụt thành khối; loại bỏ một phần âm đạo bị xâm lấn, tái tạo âm đạo.
Sau phẫu thuật cắt u, bác sĩ tạo hình thẩm mỹ chuyển vạt cơ rộng ngoài che phủ khuyết hổng lớn vùng mông hai bên. Bác sĩ sử dụng mạc nối lớn để trám phần khuyết hổng phía trên. Phần khuyết hổng dưới được sử dụng cơ đùi lấp đầy bằng kỹ thuật vi phẫu.
"Có những giây phút căng thẳng khi u bít đặc tiểu khung, bóc khối u ra ngoài cơ thể thì máu tràn ra ngoài, huyết áp về 0", Phó giáo sư Dương nói. Tình trạng chảy máu trong quá trình bóc u có thể khiến bệnh nhân nguy hiểm, song các bác sĩ đã dự đoán trước nên sẵn sàng ứng phó giúp bệnh nhân thoát nguy kịch.
Kích thước khối u lớn (khoảng 2,5 kg), bệnh ở giai đoạn muộn, di căn và xâm lấn tạng phức tạp nên cuộc đại phẫu kéo dài 12 giờ, phải truyền 2 lít máu. 10 giai đoạn phẫu thuật cùng lúc không chỉ loại bỏ triệt để khối u lớn, xâm lấn tiểu khung và các tạng lân cận mà còn tái cấu trúc lại sàn chậu, tránh sa các tạng trong ổ bụng, theo bác sĩ Dương.
Hậu phẫu 5 ngày, bà Nguyệt ăn uống trở lại, tiêu hóa lưu thông, dần ổn định sức khỏe. Sau 10 ngày bắt đầu tập phục hồi chức năng, có thể đi lại, ngủ ngon.
Phó giáo sư Dương cho biết khối u được cắt bỏ triệt để song ung thư cơ trơn có tỷ lệ tái phát cao, thời gian sống kém hơn các ung thư mô mềm khác. Bà Nguyệt cần điều trị bổ trợ sau phẫu thuật, kết hợp hóa xạ trị hạn chế tái phát và di căn.
U cơ trơn thường biểu hiện dưới dạng một khối cứng, không đau ở các mô mềm, u thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Triệu chứng thường xuất hiện khi u đã lớn, gây chèn ép vào cơ quan lân cận. Phát hiện sớm có thể loại bỏ u bằng phẫu thuật, tiên lượng tốt, tăng khả năng hồi phục.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |