Đeo kính áp tròng sai cách, mắt dễ lão hóa như tuổi 70

Kính áp tròng (lens) đổi màu được cô gái mua trên mạng và thường xuyên đeo "để mắt trông to, long lanh hơn". Nay, cô thường xuyên liên tục chảy nước mắt, tưởng bị tăng độ cận thị, song bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 chẩn đoán mắt khô nặng như của bà lão 70 tuổi.

Tương tự, một cô gái 28 tuổi bị tổn thương mắt do đeo kính áp tròng trong thời gian dài, sẹo mờ giác mạc cũ, thị lực hai mắt giảm. BS.CK2 Trương Công Minh, Giám đốc Điều hành Bệnh viện Mắt Sài Gòn II, Phó Chủ tịch Liên chi hội Laser y học và ngoại khoa TP HCM, đề nghị bệnh nhân ngưng dùng lens, tạm thời đeo kính gọng, nhỏ thuốc kháng sinh và nước mắt nhân tạo. Sau một tháng điều trị, tình trạng viêm giảm nhiều, sẹo giác mạc cải thiện.

Kính áp tròng nhiều năm nay được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới như xu hướng thời trang. Hai năm trước, bác sĩ một bệnh viện ở California, Mỹ, gắp được 23 chiếc kính áp tròng "bỏ quên từ lâu" trong mắt một bệnh nhân ngoài 70 tuổi có thói quen đeo kính áp tròng hàng ngày.

Bác sĩ Minh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Minh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo các bác sĩ, kính áp tròng phổ biến, nhất là trong giới trẻ, nhờ nhiều ưu điểm. Kính này giúp khắc phục một số khuyết điểm của kính gọng như mất thẩm mỹ, giới hạn lựa chọn gọng kính, thay đổi kích thước các vật xung quanh khi bị tật khúc xạ nặng, hạn chế khi chơi thể thao hoặc không thể đeo được khi lệch khúc xạ quá nặng... Tuy nhiên, kính áp tròng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được lựa chọn và sử dụng đúng cách.

Theo ThS.BS.CK2 Lâm Minh Vinh, Trưởng Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt TP HCM, hiện trên thị trường có nhiều loại kính áp tròng với công dụng và mức giá khác nhau, tùy theo chỉ định của bác sĩ và nhu cầu của người sử dụng.

Cụ thể, kính áp tròng mềm giúp điều trị các bệnh lý bề mặt nhãn cầu như khuyết biểu mô giác mạc lâu lành, viêm giác mạc sợi, tróc biểu mô giác mạc, sau phẫu thuật bề mặt nhãn cầu... Đeo kéo dài 1-4 tuần tùy theo thời hạn cho phép. "Loại kính này có thể che vết sẹo giác mạc màu trắng đục bằng cách đeo kính có màu giống màu mống mắt", bác sĩ Vinh lý giải.

Kính áp tròng cứng giúp cải thiện thị lực ở bệnh nhân bị giác mạc hình chóp, chống lắng đọng (lipid và protein trong phim nước mắt) trên kính tốt hơn vì không chứa nước như kính áp tròng mềm. Loại kính này bền hơn và cũng cải thiện thị lực hiệu quả với các trường hợp loạn thị.

Ngoài ra, còn có kính áp tròng củng mạc, giúp cải thiện thị lực các trường hợp bề mặt giác mạc không đều, giãn phình giác mạc, sau phẫu thuật ghép giác mạc, bệnh lý bề mặt nhãn cầu...

Song, theo bác sĩ Minh, kính áp tròng là thiết bị y tế, vì vậy khi chọn và sử dụng cần được bác sĩ khám, tư vấn. Các trường hợp nên đeo kính này gồm bệnh nhân bị tật khúc xạ, các bệnh lý bề mặt giác mạc cần sự hỗ trợ của kính áp tròng như bệnh lý giác mạc hình chóp, bệnh lý giác mạc bọng, lông quặm, khô mắt do hở mi... Ngược lại, bệnh nhân mắc bệnh lý viêm trên bề mặt nhãn cầu, đau mắt đỏ, viêm loét giác mạc nhiễm trùng, không dung nạp kính hoặc người tuân thủ kém các nguyên tắc đeo lens không nên sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nhiều người tự mua kính về dùng, không được khám và hướng dẫn về cách sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính nên có thể lựa chọn thông số kính không phù hợp, sử dụng sai cách, gây ra nhiều nguy cơ đe dọa thị lực, thậm chí mù lòa.

Sử dụng kính áp tròng sai cách gây ra nhiều nguy cơ đe dọa thị lực, thậm chí mù loà. Ảnh minh hoạ: Pexels

Sử dụng kính áp tròng sai cách gây ra nhiều nguy cơ đe dọa thị lực, thậm chí mù lòa. Ảnh minh họa: Pexels

Để sử dụng kính áp tròng an toàn, mọi người chỉ mua và sử dụng kính của các thương hiệu uy tín, không đặt mua kính của hãng bán hàng trôi nổi trên mạng, không rõ xuất xứ, nhà sản xuất. Mọi người cần đọc kỹ hạn sử dụng ghi trên bao bì, không sử dụng sản phẩm đã quá hạn hoặc bao bì đóng gói, vỏ hộp rách, không nguyên vẹn.

Nếu có nhu cầu chuyển đổi từ kính gọng sang kính áp tròng, nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, khám và lựa chọn thông số kính phù hợp nhất do các thông số sẽ khác nhau với mỗi người và thay đổi nhiều so với kính gọng.

Khi đeo kính và tháo kính, người sử dụng phải cắt ngắn móng tay, vệ sinh tay sạch sẽ. Mọi người chú ý học cách đeo và tháo kính đúng từ nhà sản xuất hoặc nhân viên y tế để thao tác nhanh, chính xác, không làm tổn thương mắt. Khi đeo, tháo kính, mọi người cần đảm bảo dụng cụ luôn khô ráo, sạch sẽ, vệ sinh định kỳ bằng dung dịch rửa chuyên dụng.

Kính áp tròng có quy trình vệ sinh và bảo quản riêng biệt. Dung dịch ngâm rửa, bảo quản phải phù hợp với loại kính đang sử dụng. Hạn sử dụng của dung dịch ngâm rửa kính không quá 3 tháng kể từ khi mở nắp. Khi sử dụng xong, mọi người cần đóng nắp ngay, không để đầu chai dung dịch chạm vào các bề mặt bẩn. Khay đựng kính phải để ở nơi khô thoáng, sạch sẽ, không để trong nhà vệ sinh. Sau khi lấy kính ra, người sử dụng phải thay nước ngâm, vệ sinh khay đựng bằng dung dịch ngâm rửa, để khay khô ráo, không giữ nước ngâm cũ và chỉ đổ đầy thêm. Khay đựng kính được thay mỗi khi thay chai dung dịch ngâm rửa kính.

Ngoài ra, người sử dụng kính áp tròng cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt nhằm phát hiện sớm, xử trí kịp thời các biến chứng. Nếu mắt có các biểu hiện đỏ, cộm chói, đau nhức, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, mọi người dừng sử dụng kính ngay và đi khám, mang theo kính áp tròng đã sử dụng để làm xét nghiệm vi sinh.

Các loại thuốc nhỏ mắt thêm cần có ý kiến của bác sĩ. Mọi người nên tuân thủ chặt các khuyến cáo khi sử dụng kính áp tròng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ viêm nhiễm và những biến chứng không mong muốn khác.

Mỹ Ý