Điều gì xảy ra khi thường xuyên ăn hành tây?

Ảnh: Pinterest

Ảnh: Pinterest

1. Chống viêm và chống oxy hóa

Hành tây chứa hơn 25 loại hóa chất thực vật và flavonoid, đây là một trong những thành phần phổ biến nhất trong chế độ ăn hàng ngày của chúng ta. Các chất hóa học thực vật có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.

2. Tốt cho sức khỏe tim mạch

Hành tây chứa một loại flavonoid gọi là quercetin, không chỉ có tác dụng chống viêm mà còn có lợi cho hệ tim mạch. Nó tốt trong việc hạ huyết áp và kiểm soát cholesterol.

3. Kiểm soát lượng đường trong máu

Quercetin và allicin sunfua hữu cơ trong hành tây có chức năng thúc đẩy tiết insulin, có thể kiểm soát đường huyết. Một công trình khoa học trên tạp chí Environmental Health Insights đã nghiên cứu mức tiêu thụ hành tây của 42 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và phát hiện ra rằng ăn 100 gam hành tây có thể làm giảm lượng đường trong máu tới 40 mg/dL sau bốn giờ. Tuy nhiên, số lượng người tham gia vào nghiên cứu còn ít và hầu hết là nghiên cứu trên động vật. Dù vẫn cần những quan sát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, các nhà khoa học cho hay ăn hành tây ở mức độ vừa phải sẽ có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.

4. Hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa

Hành tây giàu chất xơ, có tác dụng hỗ trợ quá trình đại tiện và cũng là thức ăn cho vi khuẩn đường ruột.

5. Chống ung thư

Các loại thực vật họ Allium như hành tây và tỏi có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Một bài báo trên Pudmed - Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ - đánh giá 26 nghiên cứu cho thấy ăn các thực phẩm này có thể giảm 22% nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.

Món hành tây chiên giòn. Ảnh: Rapido

Món hành tây chiên giòn. Ảnh: Rapido

Phần bổ sung: 4 nhóm người không nên ăn hành tây

Hành tây an toàn với hầu hết mọi người, nhưng trong một số trường hợp và những người có tình trạng sức khỏe nhất định nên tránh ăn:

- Người có mùi cơ thể nồng: Ăn hành tây có thể khiến mùi cơ thể tệ hơn

- Người bị hội chứng ruột kích thích: Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích bao gồm tiêu chảy, táo bón, đầy hơi và đau bụng. Hành tây chứa một lượng lớn carbohydrate không thể hấp thụ hoặc tiêu hóa (FODMAP), được giữ lại trong ruột và tạo ra khí, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

- Trào ngược dạ dày thực quản: Ăn hành tây sống có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.

- Dùng thuốc chống đông: Hành tây có thể ức chế hoạt động của thrombin.

Hằng Trần (Theo Common Health)