Ngày 3/12, bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết khi đội cấp cứu đến hiện trường bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng thở. Êkíp hồi sức tim phổi bệnh nhân ngay tại chỗ trong 20 phút. Khi bệnh nhân đã tái lập mạch tạm thời qua nguy kịch, êkíp cấp cứu đưa vào Bệnh viện E điều trị.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đột quỵ, hiện theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực.
Thể thao tốt cho sức khỏe nếu được chơi đúng cách và phù hợp. Bác sĩ khuyến cáo khi tập luyện nên lưu ý những triệu chứng có tính chất báo động cơ thể sắp đến ngưỡng để dừng lại như đau đầu, chóng mặt, nôn ói, mồ hôi nhiều bất thường, nhịp tim quá nhanh, co cứng cơ (chuột rút)... Người bệnh có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch dễ bị đột quỵ nếu tập luyện quá sức.
Các dấu hiệu đột quỵ có thể nhận biết sớm qua quy tắc "BE FAST", như sau:
B (Balance - thăng bằng): Đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (Eyesight - thị lực): Mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực một hay cả hai mắt.
F (Face - khuôn mặt): Biến đổi khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi mở miệng lớn.
A (Arm - cánh tay): Cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là giơ hai tay lên và giữ ở tư thế này cùng một lúc.
S (Speech - giọng nói): Khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản.
T (Time - thời gian): Nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Thùy An