Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người

Hội đồng chuyên môn đánh giá chết não lần đầu cho chàng trai 18 tuổi, lúc 7h30 ngày 23/11. Sáu ngày trước đó, bệnh nhân quê Chợ Mới, An Giang, bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, hôn mê sâu, vào cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất nhưng không còn cơ hội cứu sống. Ông bà, bố mẹ đồng ý hiến tạng với tâm nguyện "nếu bác sĩ không cứu được con thì dùng tạng của con cứu những người khác".

Đây là trường hợp người chết não đầu tiên hiến tạng tại Bệnh viện Thống Nhất. PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, giám đốc bệnh viện, cho biết nơi này họp rất nhiều lần, bất kể ngày đêm, với mục tiêu đánh giá thật chuẩn xác bởi "đây là sinh mệnh người bệnh", tổ chức điều phối để tạng hiến có thể phát huy tốt nhất giá trị. Thạc sĩ Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị Tư vấn và Điều phối ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức (áo đen) cũng bay từ Hà Nội vào trong đêm, túc trực ở viện suốt 3 ngày để tham gia điều phối.

Những ống bệnh phẩm được gửi từ TP HCM ra Bệnh viện Việt Đức - nơi dự kiến sẽ nhận một quả tim và một phần lá gan từ người hiến, để xét nghiệm chéo đánh giá sự phù hợp, trước khi chính thức chuyển tạng ra.

Từ ngày 23/11, hàng trăm nhân viên y tế khắp cả nước vào cuộc chạy đua, tìm kiếm người nhận tạng phù hợp nhất. Lực lượng công an, hàng không cũng được huy động phối hợp hỗ trợ vận chuyển tạng đến Huế và Hà Nội.

"Suốt đêm thứ bảy, chúng tôi hầu như không ngủ để tìm được bệnh nhân phù hợp", TS.BS Trần Công Duy Long, Phó Khoa Ngoại Gan Mật Tụy Ghép gan, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, nói.

Người nhà thăm bệnh nhân lần cuối lúc 9h40 ngày 24/11, trong lúc hội đồng chết não hoàn tất đánh giá lần thứ 3 trong 24 giờ theo quy định, xác định chàng trai đủ điều kiện hiến tạng cứu người.

10h25 ngày 24/11, các y bác sĩ cúi đầu tri ân chàng trai, trước khi phẫu thuật lấy các mô tạng ra khỏi cơ thể và chuyển đi các trung tâm ghép tạng.

Theo danh sách điều phối, hai quả thận được ghép cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Thống Nhất. Trái tim và một phần gan được chuyển ra Hà Nội ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Một phần gan được tách ra, ghép cho bệnh nhi 3 tuổi, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Hai giác mạc chuyển ra miền Trung ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Trong lúc các bác sĩ trong phòng phẫu thuật, đội xe đã chuẩn bị sẵn sàng từ lúc 12h50.

Thời gian quả tim từ lúc đưa ra cơ thể người hiến đến khi ghép vào người nhận phải đảm bảo trong vòng 6 giờ. Do đó, để kịp mang món quà vô giá vượt khoảng cách hơn 1.700 km, công an và hàng không phải vào cuộc, hàng trăm y bác sĩ từ hai miền Nam Bắc phối hợp tính toán từng giờ từng phút.

Trái tim sau khi lấy ra khỏi lồng ngực được đưa vào thùng bảo quản lúc 13h27 ngày 24/11, xe xuất phát từ Bệnh viện Thống Nhất lúc 13h46. Bác sĩ vừa đưa tạng lên xe cứu thương chuẩn bị di chuyển ra sân bay vừa điện thoại liên lạc với đồng nghiệp để thống nhất công tác hậu cần cho kịp chuyến bay. Vietnam Airlines đã hoãn chuyến bay 30 phút để chờ vận chuyển tạng về Hà Nội.

Lá gan vào thùng bảo quản lúc 13h51. Một phần gan được mang về Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM ghép cho bệnh nhi 3 tuổi, nhóm máu O, bị nhiễm trùng đường mật do xơ gan giai đoạn cuối. Một phần gan được tách ra đưa về Hà Nội ghép cho bệnh nhân người lớn.

Sau mổ ghép tạng, các bệnh nhân đều hồi phục tốt, chức năng các cơ quan ổn định. Thi thể người hiến tạng được bệnh viện hỗ trợ đưa về an táng tại quê nhà.

"Một ngọn nến tắt đi nhưng nhiều cuộc đời đã được thắp sáng", phó giáo sư Thanh nói.

Lê Phương
Ảnh: Bệnh viện Thống Nhất cung cấp