Trong vài năm qua, giáo sư, tiến sĩ Bryant Lin nhận thấy một xu hướng mới gây sốc trong nhóm nhân khẩu học của mình. Những người Mỹ trẻ tuổi, đặc biệt là người gốc Á, đang mắc căn bệnh ung thư phổi chết người, mặc dù họ chưa bao giờ hút thuốc.
Là bác sĩ chăm sóc chính cho nhiều bệnh nhân châu Á và bản thân là một người gốc Á, năm 2018, Lin thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Sức khỏe Châu Á tại Đại học Stanford để nghiên cứu lý do tại sao nhóm này dễ mắc ung thư và các bệnh lâu dài khác.
Nhưng mùa xuân này, Bryant bị ho dai dẳng kéo dài 6 tuần. Ban đầu, anh cho rằng mình bị dị ứng và đã dùng một số loại thuốc xịt họng. Nhưng khi cơn ho vẫn tiếp diễn, anh nhắn tin cho một đồng nghiệp và được yêu cầu chụp cắt lớp, làm sinh thiết mô phổi.
Chưa đầy hai tuần sau, vào tháng 5/2024, Bryant Lin nhận chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 4.
Theo Mail, Lin là một trong số hàng nghìn người trẻ bị chẩn đoán mắc căn bệnh chết người của nước Mỹ. Với hơn 230.000 người mắc mỗi năm, ung thư phổi ban đầu chủ yếu là do thói quen hút thuốc. Tuy nhiên, khi số lượng người hút thuốc có chiều hướng giảm ở Mỹ, tỷ lệ ung thư phổi lại đang gia tăng ở những người dưới 50 tuổi không có tiền sử hút thuốc.
"Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ mắc căn bệnh ung thư này hoặc trở thành đối tượng nghiên cứu của chính trung tâm mình lập ra", Lin nói.
Chẩn đoán ung thư đã truyền cảm hứng cho Bryant Lin bắt đầu giảng dạy một lớp học mới tại Stanford, khi chính anh là một nghiên cứu điển hình. Khóa học này nhằm mục đích dạy cho sinh viên về phương pháp điều trị ung thư và sự đồng cảm thông qua góc nhìn của một bệnh nhân. Giảng viên đại học hy vọng khóa học sẽ dạy cho sinh viên rằng "điều cực kỳ quan trọng là phải có sự đồng cảm và hiểu biết về hành trình của bệnh nhân như thế nào".
Nhiều bệnh nhân ung thư phổi trẻ tuổi được chẩn đoán muộn do bác sĩ cho rằng các triệu chứng do hen suyễn hoặc viêm phế quản. Chẳng hạn, một nghiên cứu nhỏ đã phát hiện ra rằng bệnh nhân ung thư phổi không được điều trị trong trung bình 138 ngày sau khi các triệu chứng như ho, đau ngực và khó thở bắt đầu.
Trong khi người hút thuốc chiếm tới 90% bệnh nhân ung thư phổi lớn tuổi, con số này giảm xuống còn 71% đối với bệnh nhân trẻ tuổi. Theo dữ liệu gần đây từ Pew Research, chỉ 10% người trẻ cho biết họ hút thuốc từ năm 2019 đến năm 2023 so với 35% trong giai đoạn 2001-2003.
Trong trường hợp của Tiến sĩ Lin, xét nghiệm di truyền cho thấy ung thư có thể là do đột biến gen EGFR. Điều này có nghĩa là ung thư gây ra tình trạng dư thừa protein EGFR, có thể đẩy nhanh sự phát triển của các tế bào ung thư phổi.
Ông cho biết: "Khoảng 50% người châu Á không hút thuốc mắc ung thư phổi có đột biến này và ít hơn 20% người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha có đột biến này. Chúng tôi thực sự không biết tại sao người châu Á lại có đột biến này nhiều hơn các nhóm khác".
Đột biến gen EGFR cũng có thể khiến ung thư trở nên hung hãn hơn và được chẩn đoán ở giai đoạn sau.
Tiến sĩ Lin cho biết: "May mắn thay, căn bệnh khiến tôi trở th��nh ứng cử viên cho liệu pháp nhắm mục tiêu mà mình đang nghiên cứu".
Để tránh rơi vào "cái bẫy" của việc biết quá nhiều, ông được khuyên không nên dành thời gian xem xét tài liệu và các dự báo. "Là bác sĩ, bạn có thói quen nhìn vào những chỉ số sinh hiệu. Mọi người bảo tôi không nên làm điều đó", ông cho biết.
Hiện tại, ông uống viên thuốc hóa trị hàng ngày Osimertinib, được bán dưới tên thương hiệu Tagrisso, có tác dụng tấn công các tế bào ung thư đột biến. Ông cũng trải qua các đợt điều trị hóa trị bổ sung ba tuần một lần. Tuy nhiên, Lin lưu ý rằng ung thư có thể trở nên kháng với các liệu pháp nhắm mục tiêu này trong vòng một hoặc hai năm. Điều này có thể khiến ông không còn nhiều lựa chọn.
Dù vậy, Bryant Lin vẫn lạc quan. Ông kể một người đồng nghiệp đã đùa với mình rằng: "Anh chỉ cần sống đủ lâu đến khi phương pháp điều trị tiếp theo có hiệu quả thôi".
Hướng Dương (Theo Mail)