Hai lần tái tạo buồng tử cung để mang thai

Chị Thúy vừa sinh mổ, bé gái chào đời khỏe mạnh nặng 2,5 kg. Đây là con đầu lòng của vợ chồng chị sau 5 năm hiếm muộn.

Vợ chồng trước đó đến một bệnh viện khám do kết hôn một năm vẫn chưa có con, bác sĩ chẩn đoán chị vô sinh do tử cung hai sừng song còn cơ hội mang thai tự nhiên. Ba năm sau vẫn chưa có tin vui, chị đến Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, chụp MRI, phát hiện vách ngăn tử cung dài 40 mm, dày 18 mm, đi từ âm đạo đến tử cung, chia tử cung làm hai buồng riêng biệt.

Tử cung có vách ngăn là dị dạng bẩm sinh phổ biến gây biến dạng cấu trúc cơ và lòng tử cung. Ngày 8/1, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trường hợp chị Thúy có vách ngăn chạy dài, bờ dày, sâu, ít gặp, gây ra hai âm đạo, hai buồng tử cung riêng biệt. Diện tích bên trong mỗi buồng tử cung chị Thúy bị thu hẹp. Vách ngăn này là một dải xơ, không có nhiều nguồn cung cấp máu, nếu trứng thụ tinh khó làm tổ ở vị trí này, khiến chị vô sinh. Một số trường hợp có vách ngăn đôi có thể thụ thai thành công nhưng thai nguy cơ lưu, sảy, sinh non do buồng tử cung quá chật.

"Nếu không can thiệp phẫu thuật tạo hình lại cơ quan sinh sản chỉ tập trung điều trị hiếm muộn sẽ khó mang thai", bác sĩ Mỹ Nhi nói.

Bác sĩ Mỹ Nhi (giữa) mổ đục vách ngăn tử cung cho chị Thúy. Ảnh: Tuệ Diễm

Bác sĩ Mỹ Nhi (giữa) mổ đục vách ngăn tử cung cho chị Thúy. Ảnh: Tuệ Diễm

Bác sĩ Mỹ Nhi quyết định phẫu thuật nội soi buồng tử cung can thiệp cho chị Thúy, song tiên lượng không thể tháo gỡ toàn bộ "dải phân cách" chia đôi tử cung do vách ngăn quá dài và dày, nguy cơ mất máu, thủng tử cung khi mổ.

Chị Thúy được bác sĩ cắt bỏ vách ngăn âm đạo, tạo đường tiến sâu vào cắt vách ngăn tử cung. Cuộc mổ đầu tiên kéo dài gần hai giờ, êkíp chỉ cắt bỏ được vách ngăn âm đạo và 2/3 vách ngăn tử cung.

Hai tháng sau, bác sĩ tiếp tục thực hiện ca mổ đục 1/3 vách ngăn còn lại. Lúc này, buồng tử cung của chị Thúy đã được giải phóng, cải thiện không gian lòng tử cung, trả lại cấu trúc giải phẫu học như bình thường. Sau phẫu thuật, chị được điều trị nội tiết tăng cường để phủ đầy niêm mạc ở dải bờ vách ngăn bị cắt bỏ.

Hai tháng sau, bác sĩ đánh giá phẫu thuật thành công, buồng tử cung của người bệnh rộng rãi, không bị tái dính. Chị cần ngừa thai thêm 3-6 tháng để tử cung lành vết thương. Đến tháng 4 năm nay, hai vợ chồng có thai tự nhiên.

BS.CKI Nguyễn Văn Phúc, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết tử cung có vách ngăn là bất thường di truyền, hiện nay chưa rõ nguyên nhân tác động. Hiện tượng xảy ra trong quá trình hình thành phôi thai, tử cung của thai nhi phát triển thành hai ống, cuối cùng hợp nhất thành một. Một số lý do tác động khiến hai ống này không thể hợp nhất làm một, từ đó bé gái tồn tại vách ngăn chia đôi.

Dị tật bẩm sinh này không có triệu chứng nhận biết, chủ yếu phát hiện tình cờ qua siêu âm 3D, 4D hoặc chụp MRI khi khám sức khỏe. Một số trường hợp phát hiện khi có dấu hiệu hiếm muộn, sảy thai liên tiếp, sinh non. Điều trị dị tật chỉ được thực hiện trước hoặc sau thai kỳ, phương pháp chủ yếu là phẫu thuật nội soi để cắt vách ngăn, tạo hình tử cung.

Tuệ Diễm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp