Hội chứng ống cổ tay - nỗi phiền toái của dân văn phòng

Kim Ngọc, 25 tuổi, là kế toán ở TP HCM, mỗi ngày ngồi làm việc với máy tính và điện thoại gần 10 tiếng liên tục. Khi tan làm về nhà, cô lại phải xử lý tiếp công việc còn dang dở trên các thiết bị này. Tay thường xuyên tê, đau ngón cái và ngón trỏ, đôi khi nóng rát ngón đeo nhẫn khiến cô khó chịu. Nữ nhân viên tự mua thuốc uống, xoa bóp, massage bằng các loại dầu, kem bôi, song không khỏi.

Khi lực tay yếu đi rõ rệt, việc cài nút áo cũng trở nên khó khăn, Ngọc đến Trung tâm Phục hồi chức năng và hình thể HMR khám, bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay do làm việc nhiều nên cổ tay không có thời gian nghỉ ngơi.

Trường hợp khác là Hoàng Nhân, 27 tuổi, nhân viên công nghệ thông tin. Vài tuần trước, Nhân thấy mỏi cổ tay, đau cơ, bàn tay phải đôi lúc mất cảm giác hoặc tê châm chích các ngón, gõ bàn phím khó khăn. Tuy nhiên, anh chủ quan nghĩ do làm việc nhiều nên đau, chỉ cần nghỉ ngơi sẽ bình thường trở lại.

Tình trạng ngày càng nặng, đôi khi các triệu chứng xuất hiện lúc nửa đêm làm Nhân mất ngủ. Anh đi khám, được chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay, điều trị nhiều nơi nhưng chỉ giảm đau vài ngày rồi tái lại.

ThS.BS Calvin Q.Trịnh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và hình thể HMR cho biết cả hai bệnh nhân đều được điều trị bằng laser và siêu âm trị liệu. Sau 3 buổi, Ngọc giảm đau nhiều, các triệu chứng gần như khỏi 80% sau 5 buổi điều trị. Tình trạng của Nhân cũng cải thiện đáng kể sau vài buổi trị liệu kết hợp tiêm thuốc ống cổ tay và để cánh tay được nghỉ ngơi tối đa, hiệu quả.

Hội chứng ống cổ tay gây phiền toái cho người làm văn phòng. Ảnh: Pexels

Hội chứng ống cổ tay gây phiền toái cho người làm văn phòng. Ảnh: Pexels

Theo bác sĩ Trịnh, hội chứng ống cổ tay (hội chứng đường hầm cổ tay) là tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa ở ống cổ tay gây cảm giác tê tay, đau tay, giảm khả năng lao động.

Bác sĩ Trịnh cho biết những thống kê ở Mỹ cho thấy hàng năm có khoảng 5% người mắc bệnh lý cổ tay, ở nhóm nguy cơ cao như game thủ, người làm việc văn phòng, thường xuyên sử dụng bàn phím... tỷ lệ này có thể lên tới 50%. Số bệnh nhân nữ mắc hội chứng ống cổ tay cao gấp 3 lần nam do đường hầm ống cổ tay của nữ giới thường có kích thước nhỏ hơn và một số lý do liên quan tới giải phẫu, di truyền, hormone.

BS.CK1 Võ Văn Long, Phó trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 cho biết hội chứng ống cổ tay đa phần là nguyên phát (vô căn, không rõ nguyên nhân).

Các yếu tố có nguy cơ gây bệnh gồm ống cổ tay nhỏ bẩm sinh; nữ giới; điều kiện lao động yêu cầu duy trì một tư thế cổ tay trong thời gian dài như gõ bàn phím máy tính, nói chuyện điện thoại (cầm điện thoại lên tai), nhắn tin, chạy xe gắn máy... gây tăng áp lực trong ống cổ tay.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân thứ phát được đề cập là tiểu đường, bệnh tuyến giáp, suy thận... làm tổn thương thần kinh ngoại biên, trong đó có thần kinh giữa; viêm khớp dạng thấp; mang thai, mãn kinh, béo phì (do tình trạng giữ nước làm tăng áp lực trong ống cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa); chấn thương, gãy xương, trật khớp vùng cổ tay.

Theo bác sĩ Long, người mắc hội chứng ống cổ tay thường tê hoặc đau ở bàn tay, có thể lan lên cẳng tay, cánh tay. Dị cảm hoặc tê bì, mất cảm giác ở vùng da do thần kinh giữa chi phối. Yếu vận động bàn tay do thần kinh giữa chi phối, dẫn đến vụng về, rơi đồ. Da bàn tay khô, thay đổi màu sắc.

Các triệu chứng xuất hiện dọc theo đường đi của dây thần kinh giữa (ở bàn tay, dây thần kinh giữa đi qua ống cổ tay và cung cấp cảm giác cho các ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1 phần 3 ngón áp út). Ngoài ra, các đặc điểm kèm theo còn có triệu chứng thường xuất hiện ban đêm; khởi phát sau khi giữ nguyên một tư thế hoặc thực hiện lặp đi lặp lại một động tác cổ tay và bàn tay; triệu chứng thường giảm khi thay đổi vận động hay tư thế bàn tay, cổ tay.

"Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay được xác định khi có một triệu chứng cơ năng hoặc một triệu chứng thực thể kết hợp với kết quả EMG (điện cơ đồ) chi trên", bác sĩ Long nói và cho biết triệu chứng cơ năng là các triệu chứng mà người bệnh cảm nhận được; trong khi đó triệu chứng thực thể thu được qua thăm khám.

Tư thế gõ bàn phím đúng khi cổ tay không bị gập. Ảnh: cmd

Tư thế gõ bàn phím đúng khi cổ tay không bị gập. Ảnh: cmd

Tùy vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể lựa chọn điều trị bằng y học hiện đại và y học cổ truyền.

Đối với y học hiện đại, có 3 phương pháp. Điều trị bảo tồn áp dụng cho trường hợp nhẹ, bao gồm nghỉ ngơi, dùng thuốc, nẹp cổ tay để cố định và giảm áp lực. Các bài tập vật lý trị liệu như kéo giãn, xoa bóp, siêu âm, điện xung... cũng có tác dụng giảm đau và tăng cường lưu thông máu.

Tiêm corticoid giúp giảm viêm và sưng trong ống cổ tay nếu triệu chứng nghiêm trọng. Hoặc phẫu thuật được chỉ định khi điều trị bảo tồn không hiệu quả, bệnh trở nên nghiêm trọng, hoặc dây thần kinh bị tổn thương. Bác sĩ sẽ phẫu thuật giải phóng dây thần kinh giữa, giúp giảm triệu chứng đau và tê bì.

Đối với y học cổ truyền, người bệnh có thể thử liệu pháp châm cứu, giúp kích thích tuần hoàn máu và làm giảm sưng viêm ở ống cổ tay. Ngoài ra, điện châm cũng là một phương pháp châm cứu được phát triển trong quá trình ứng dụng điều trị kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, hỗ trợ kiểm soát đau hoặc yếu cơ.

Bên cạnh đó, xoa bóp bấm huyệt, các bài thuốc cổ phương và liệu pháp nhiệt (nóng hoặc lạnh) cũng được bác sĩ Long đề xuất trong trị liệu hội chứng ống cổ tay. Áp khăn nóng hay túi đá lên vùng cổ tay khoảng 10-15 phút mỗi lần có thể giúp giảm sưng và giảm triệu chứng của bệnh lý này.

Trong sinh hoạt hằng ngày, để phòng ngừa và giảm thiểu triệu chứng của bệnh, cần thường xuyên thay đổi vị trí đặt tay, nhất là các tư thế có nguy cơ phát triển thành hội chứng ống cổ tay đã đề cập trong bài. Bác sĩ khuyên mọi người cần tránh gối đầu lên tay khi ngủ và đi thăm khám để được điều trị sớm các nguyên nhân thứ phát của bệnh.

Mỹ Ý

*Tên nhân vật được thay đổi