Hơn 100 giờ hồi sức cứu sống nam thanh niên ngừng tim do điện giật

"Tôi tỉnh dậy mới biết tim mình đã từng ngừng đập", anh Du nói sáng 27/11, sau hơn một tháng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán khi nhập viện là "đã chết".

Khi xảy ra sự cố chiều 24/10, Du bất tỉnh nằm trên mái tôn, được hai người hàng xóm phát hiện vội ngắt điện nguồn rồi đưa xuống dưới đất và gọi 115. Du đã ngưng tim ngưng thở, tức ngừng tuần hoàn. Nhân viên cấp cứu 115 nhanh chóng có mặt ở hiện trường ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, bóp bóng liên tục 20-25 phút và chuyển Du đến Bệnh viện Đà Nẵng, cách nơi bị nạn khoảng 6 km. Đến phòng Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, Du vẫn chưa có tuần hoàn trở lại.

Lúc này, bệnh nhân được xác định ban đầu "đã chết", song các bác sĩ vẫn tiếp tục cấp cứu, ép tim, bóp bóng qua nội khí quản. TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, đang trong ca trực lãnh đạo đã tiếp nhận và theo bệnh nhân trong suốt quá trình từ cấp cứu, ép tim trên đường di chuyển vào trong phòng Hồi sức tích cực. "Tôi đề nghị thiết lập ngay hệ thống tim phổi nhân tạo", BS Nhân kể.

Hệ thống tim phổi nhân tạo, tức kỹ thuật ECMO, rất đắt tiền. Bệnh nhân rơi vào tình thế đã ngưng tuần hoàn trên 30 phút nên thuộc trường hợp "cân nhắc can thiệp ECMO" do khả năng sống sót rất thấp. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn quyết định dùng ECMO, bởi bệnh nhân còn quá trẻ và "còn cơ hội hồi sinh tim phổi" nhờ được 115 cấp cứu liên tục, bài bản ngay từ khi ngừng tuần hoàn đến lúc vào bệnh viện.

"Đôi khi quyết định can thiệp cho bệnh nhân là linh cảm nghề nghiệp của bác sĩ, và trường hợp này là quyết định đúng", BS Nhân nói thêm, cho biết quy trình báo động đỏ cấp cứu ngưng tuần hoàn ECMO lập tức được khởi động cho Du. Êkíp bác sĩ gồm Hồi sức tích cực chống độc, Ngoại Tim mạch, đơn vị phòng mổ thuộc khoa Gây mê hồi sức, kết nối VA ECMO trong vòng 10-15 phút.

BS.CK2 Bùi Văn Dung, trưởng êkíp thực hiện ECMO, cho biết thời gian Du ngừng tim từ hiện trường đến khi được đặt thành công ECMO là trong vòng 60 phút. Như vậy, bệnh nhân đã ngừng tim một giờ. Lúc này bệnh nhân biểu hiện tình trạng rất nặng, suy tuần hoàn cấp, suy hô hấp cấp, tổn thương thiếu oxy não sau ngừng tuần hoàn...

Bệnh viện Đà Nẵng đã huy động nhân lực và tất cả biện pháp hồi sức tích cực hiện đại nâng cao như ECMO, thở máy hỗ trợ hô hấp, hạ thân nhiệt bảo vệ não bị tổn thương, thay huyết tương, lọc máu liên tục, nội khoa điều trị an thần - giãn cơ, liệu pháp kháng sinh... để cứu chữa bệnh nhân.

Sau hơn 100 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân phục hồi tuần hoàn, cai ECMO và tiếp tục điều trị nội khoa. 10 ngày sau, bệnh nhân cải thiện hô hấp, cai máy thở và được rút nội khí quản. Bệnh nhân cũng từng có giai đoạn bị loạn thần do ngừng tuần hoàn não quá lâu, nhưng nhờ được chăm sóc đặc biệt nên đã hoàn toàn tỉnh táo, nói chuyện bình thường.

Ngày 27/11, Du xuất viện trong niềm vui của các y bác sĩ và gia đình.

TS.BS Lê Đức Nhân tặng hoa chúc mừng bệnh nhân được xuất viện, sáng 27/11. Ảnh: Nguyễn Đông

TS.BS Lê Đức Nhân (áo trắng) tặng hoa chúc mừng Du xuất viện, sáng 27/11. Ảnh: Nguyễn Đông

"Đây thực sự là một sự hồi sinh ngoạn mục, từ cõi chết trở về", BS Nhân nói, thêm rằng bệnh nhân có sức trẻ, may mắn quá trình hồi sinh tim phổi đã được các bác sĩ Cấp cứu 115 thực hiện liên tục, ép tim chuẩn để cố gắng duy trì máu lên não. Các êkíp trong Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp bài bản, chạy đua với thời gian để cứu người.

Theo y văn, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn sau 30 phút không hiệu quả thì "coi như kết thúc và thất bại". Song bác sĩ Nhân cho rằng trường hợp bệnh nhân Du chứng minh rằng nếu được cấp cứu tích cực, đa chuyên khoa cùng lúc, các phương tiện và kỹ thuật hiện đại áp dụng cùng lúc, thì vẫn có thể đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống. Còn Du chia sẻ khi xuất viện: "Tôi may mắn nhưng cũng nhờ các bác sĩ rất giỏi".

Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện kỹ thuật ECMO gần 10 năm nay và là một trong ba trung tâm ECMO lớn của cả nước, sau Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy. Trong 200 ca đã được can thiệp thì khoảng 30 ca vừa cấp cứu ngừng tuần hoàn vừa đặt ECMO.

Nguyễn Đông