Kiến nghị được cử tri đưa ra khi phản ánh vấn đề liên quan lĩnh vực y tế trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Theo đó, một số bệnh ung thư nguy hiểm như trên, nếu sàng lọc và phát hiện sớm sẽ giảm được chi phí điều trị rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay chi phí sàng lọc ung thư chưa được BHYT thanh toán.
Do đó, cử tri đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung một số bệnh ung thư phổ biến vào danh mục sàng lọc được chi trả BHYT, nhằm giảm gánh nặng cho người dân và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe.
Thực tế, ung thư đang tạo gánh nặng lớn lên hệ thống y tế bởi trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 người tử vong. Khoảng 355.000 người đang sống chung với căn bệnh này. Riêng ung thư vú hiện đứng số một về tỷ lệ mắc mới và tử vong, sau đó đến gan và phổi.
Năm 2023, chi phí 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ BHYT là 6.186 tỷ đồng. Chi phí điều trị trung bình một bệnh nhân ung thư khoảng trên 176 triệu đồng mỗi năm, theo thống kê của Bệnh viện K Hà Nội. Các ca nặng, phức tạp, số tiền có thể gấp nhiều lần. Nhóm bệnh nhi được BHYT hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần, gia đình vẫn khó tránh khỏi "thảm họa tài chính". Trong khi đó bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống cao và giảm gánh nặng tài chính.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ đã ghi nhận ý kiến cử tri để tổng hợp, nghiên cứu bổ sung danh mục dịch vụ y tế được BHYT thanh toán, trong đó có sàng lọc các bệnh ung thư, nhằm mở rộng quyền lợi BHYT. Việc bổ sung này đòi hỏi nghiên cứu tất cả khía cạnh liên quan như mức đóng, mức hưởng, quản lý dịch vụ để chống lạm dụng trục lợi, cũng như hài hòa giữa quan điểm các dịch vụ dự phòng do ngân sách nhà nước đảm bảo, chi phí khám chữa bệnh do Quỹ BHYT chi trả.
Năm 2024, khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo quy định mang tính nguyên tắc như phạm vi được hưởng BHYT đối với dịch vụ khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm như ung thư cổ tử cung; ung thư vú; viêm gan B, C; đái tháo đường; tăng huyết áp...
"Việc bổ sung danh mục dịch vụ y tế được BHYT thanh toán cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng các hướng dẫn chuyên môn, chuẩn bị điều kiện cần thiết làm cơ sở tổng kết và đề xuất khi sửa đổi toàn diện Luật BHYT hoặc trường hợp cần thiết có thể thí điểm trước khi quy định tại Luật", Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, hiện đã có các chương trình tầm soát ung thư trong cộng đồng như tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư vú; tầm soát miễn phí hoặc chi phí thấp dành cho nhóm nguy cơ cao. Cùng đó, trong các thông tư ban hành, Bộ đã bổ sung một số dịch vụ kỹ thuật để chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, góp phần tăng tiếp cận và hiệu quả điều trị đối với một số bệnh lý ung thư, tăng quyền lợi BHYT cho người không may mắc bệnh.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng cập nhật danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Các cơ sở khám chữa bệnh và đơn vị dược phẩm đề xuất bổ sung 75 thuốc mới vào danh mục BHYT, trong đó có 28 thuốc điều trị đích bệnh ung thư.
Lê Nga